NGƯỜI VIỆT NAM CÓ BÀI HOA KHÔNG?

NGƯỜI VIỆT NAM CÓ BÀI HOA KHÔNG?

Tác giả: Bùi Công Tự

Lấy từ nguồn: Nguyễn Xuân Diện – Blog

Phải chăng ông Trời phú cho đất nước Việt Nam thiên thời, địa lợi và con người hòa hiếu hơn đất nước Trung Quốc nên hàng triệu người Hoa đã bỏ lại mồ mả tổ tiên để di cư đến Việt Nam mưu cầu đời sống, từ ngàn năm xưa và cả hôm nay ?
Một thập niên qua lượng người Trung Quốc vào Việt Nam càng ngày càng nhiều. Họ đến để kinh doanh hay làm gì gì nữa thì chỉ có họ biết. Một số đông đến theo rất nhiều các dự án của Việt Nam mà các công ty Trung Quốc trúng thầu giá rẻ. Một tỉnh nhỏ như Ninh Bình mà cũng đang có tới 2400 người Trung Quốc làm việc. Các nơi khác như Hải Phòng,  thành phố Hồ Chí Minh thì số người Trung Quốc còn đông gấp bội. Suy ra cả nước con số rất lớn. Nó chiếm mất đáng kể chỗ làm việc của những người Việt Nam đang còn thất nghiệp.
Hôm nay tôi đọc thấy một bạn viết trên blog cá nhân những dòng sau đây:
“Mình cũng lấy làm lạ, sao mà lắm Tàu trên đất nước mình thế ? Có đi từ Bắc vào Nam mới biết. Trên tàu hỏa cũng thấy đông, xuống ga cũng gặp nhiều, qua Thanh Hóa, Vinh và các thành phố khác cũng nhan nhản người Tàu”.
“Ở Việt Nam trông thấy anh nào nhếch nhác, đầu trọc, mắt một mí, thuốc lá rút từng điếu ra mời thì chắc chắc đó là cái anh người Tàu…nhận ra ngay” (Blog Mai Tiến Nghị).
Thành phố Hồ Chí Minh nơi tôi ở có lẽ có nhiều người Trung Quốc hơn các tỉnh thành khác. Có hôm 5h sáng đi thể dục đã gặp một anh “đầu trọc, mắt một mí” ngồi sau xe máy một cô gái từ trong hẻm đi ra. Những người Trung Quốc mới đến thành phố này chủ yêu làm kinh doanh nên trông họ cũng khá lịch sự. Những chuyện tôi nghe kể người Trung Quốc làm tầm bậy tầm bạ thường là ở nơi có những công trình xây lắp hay khai mỏ. Như chuyện ở Thanh Hóa họ kéo bè kéo đảng cả trăm người cầm gậy gộc đang đêm xông vào làng đuổi đánh bà con ta. Cảnh ấy đã có người quay được video phát trên mạng internet.
Vậy chúng ta nên nhìn nhận về những người Trung Quốc đang làm việc ở Việt Nam như  thế nào?
Thực tế đã cho chúng ta bài học lịch sử là những người cầm quyền Bắc Kinh luôn luôn tìm mọi cách kìm hãm sự phát triển của Việt Nam, khi ngấm ngầm, khi công khai phá hoại chúng ta. Họ đang từng bước xâm chiếm biển đông và Hoàng Sa-Trường Sa của Việt Nam cũng như đang rục rịch gây hấn ở biên giới phía Bắc. Về lâu dài họ có dã tâm xâm lược cả nước ta. Chính vì thế họ buộc chúng ta phải cảnh giác với mọi người Trung Quốc đang hiện diện trên đất nước này.
Rất có thể cái anh người Tàu đang tợp li café ở bàn bên cạnh chỗ ta ngồi là một tên gián điệp Bắc Kinh? Rất có thể cái cậu “đầu trọc, mắt một mí” đêm qua ngủ trọ nhà cô gái trong hẻm là một tên phá hoại? Rất có thể cái đơn vị sản xuất gồm những nhà quản lý, kỹ sư và công nhân đang xây lắp cho một dự án trúng thầu kia là một đơn vị sư đoàn hoặc trung đoàn quân đội Trung Quốc trá hình?  Và ai biết được họ đang thực hiện âm mưu gì trong những khu đất mênh mông mà họ rào kín bưng nội bất xuất, ngoại bất nhập ?
Vì thế tâm lý nhân dân ta hiện nay là không muốn có người Trung Quốc trên đất nước mình. Đó là sự thật. Vì cảnh giác là chính chứ không phải vì sợ mất chỗ làm việc.
Tuy vậy để khách quan chúng ta cứ đặt ra câu hỏi: Người Việt Nam có bài Hoa không ?
Bảo không ư? Sao các anh chị lại gọi người Trung Quốc là Tàu khựa, Tàu ô, Chú Khách?
Xin thưa đó cũng là sự thật, sự thật của những câu nói đùa.
Sự thật không đùa là người Việt Nam đã thờ Khổng Tử, thờ ông Quan Vân Trường ở những đền miếu tôn nghiêm nhất. Thậm chí một tên tướng giặc như Sầm Nghi Đống cũng được dân ta cho một cái miếu thờ nho nhỏ. Tại Thành phố Hồ Chí Minh hiện nay trong khu đô thị Phú Mỹ Hưng có một đại lộ rất đẹp mang tên Tôn Dật Tiên và một trường học mang tên một người Trung Quốc khác.
Sự thật lịch sử là đất nước và nhân dân Việt Nam đã cưu mang hàng triệu người Trung Quốc đến làm ăn sinh sống. Theo tài liệu lịch sử, cuộc di cư của người Hoa đến Việt Nam phổ biến từ sau các cuộc chiến tranh ở Trung Quốc. Họ chạy trốn các cuộc chiến cuối đời Đường – đầu đời Tống (960-1279), cuối đời Tống – đầu đời Nguyên (1279-1368), cuối đời Nguyên – đầu đời Thanh (1662-1911).
Những đô thị thương mại như Vân Đồn (TK XV), phố Hiến (TK XVI), Hội An (TK XVII) và Sài Gòn – Chợ Lớn (TK XVIII-XX) là nơi tập trung nhiều người Hoa sinh sống nhất.
Năm Kỷ Mùi (1679) hai viên tướng của nhà Minh là tổng binh Dương Ngạn Địch và phó tướng Trân Thượng Xuyên, sau khi thua trận với người Mãn Thanh, đã đem 3000 quân chạy sang vùng cửa biển Thuận An của Việt Nam. Không chịu làm tôi tớ cho nhà Thanh nhưng họ chấp nhận làm bề tôi cho chúa Nguyễn. Chúa Nguyễn Phúc Tần đã cưu mang những người Trung Quốc này, cho họ về ở vùng Biên Hòa (Trần Thượng Xuyên) và vùng Mỹ Tho (Dương Ngạn Địch). Sau này những người Trung Quốc nói trên đã đóng góp vào việc phát triển những vùng đất đó.
Một người Trung Quốc khác cũng là tướng nhà Minh chạy sang Việt Nam là Mạc Cửu thì được chúa Nguyễn cưu mang ở vùng đất Cà Mau.
Giữa TK XIX, để tránh sự đàn áp của nhà Thanh, hàng ngàn người Trung Quốc và gia đình thuộc đội quận Cờ đen, Cờ vàng vốn là tàn quân của các cuộc khởi nghĩa của nông dân Trung Quốc dã từ Quảng Đông, Quảng Tây tràn vào Việt Nam. Đội quân Cờ đen do Lưu Vĩnh Phúc (1837-1917) cầm đầu đã tham gia cùng quân đội nhà Nguyễn đánh Pháp, giết được viên đại úy Garnier tại Cầu Giấy.
Những người Trung Quốc này sau khi tổ chức bị tan rã đã không trở về Trung Quốc. Họ định cư tại các vùng miền núi của Việt Nam như Vĩnh Phúc, Bắc Giang, Thái Nguyên, Tuyên Quang. Tại vùng Định Hóa và Đại Từ Thái Nguyên tôi đã gặp những người họ Lương tự nhận là họ hàng của Lương Tam Kỳ một thủ lĩnh quân Cờ đen. Như vậy thêm một lần nữa đất nước Việt Nam lại cưu mang những người tị nạn đến từ phương Bắc cho dù có một thời họ làm thảo khấu.
Người Hoa hay người gốc Hoa hiện nay đang sống trên lãnh thổ Việt Nam có gần 1 triệu người. Tỉnh thành nào ở Việt Nam cũng có người Hoa. Đông nhất là ở thành phố Hồ Chí Minh. Do sống ở Việt Nam lâu đời nên đa số bà con người Hoa có quốc tịch Việt Nam. Tuy thế họ vẫn giữ được bản sắc Hoa rất đậm, vẫn nói tiếng Hoa, phong tục tập quán Hoa. Đồng thời họ thông thạo tiếng nói và tập quán của người Việt. Những năm gần đây người Hoa ở Trung Quốc lục địa, Đài Loan, Hồng Kong đến làm ăn ở Việt Nam chưa có số liệu nhưng ước đoán cũng phải vài chục ngàn người. Nhìn chung người Hoa và gốc Hoa đang sống ở Việt Nam đều có đời sống khá giả hơn người Việt.
Cũng cần nói thêm là trong số những người Trung Quốc đang làm việc ở Việt Nam hiện nay có nhiều người là dân nghèo, họ đến Việt Nam để kiếm miếng cơm manh áo. Cho nên chúng ta cần nhìn họ với con mắt nhân văn.
Bây giờ xin bạn đọc trả lời giúp tôi câu hỏi: Người Việt có bài Hoa không ?
Tuy nhiên với người Trung Quốc tôi xin nhắc tại đây câu nói của nhà cách mạng Tiệp Khắc tác giả “Viết dưới giá treo cổ”: CON NGƯỜI, HÃY CẢNH GIÁC! TÔI YÊU TẤT CẢ CÁC NGƯỜI.
TP Hồ Chí Minh 26/06/2011.
*Bài viết do tác giả Bùi Công Tự gửi NXD-Blog.
Xin chân thành cảm ơn tác giả!

Từ biển Giao Chỉ đến “đường lưỡi bò”

Từ biển Giao Chỉ đến “đường lưỡi bò”
Bài viết của Nhà nghiên cứu NGUYỄN ĐÌNH ĐẦU
Nguồn: Báo Pháp luật Thành phố Hồ Chí Minh
LTS: Bao năm qua, một luồng quan điểm lớn ở Trung Quốc đã cố tình gây ra sự hiểu nhầm khi lợi dụng tên gọi biển Nam Trung Hoa (do người phương Tây gọi) để phán rằng biển của Trung Quốc bao chiếm gần như toàn bộ biển Đông.

Thế nhưng sự thật khoa học cho thấy danh xưng biển Nam Trung Hoa (chỉ biển Đông) mà Trung Quốc lợi dụng để gây ra sự hiểu nhầm ấy chưa thấy xuất hiện ở những bản đồ do chính người Trung Quốc vẽ từ hàng trăm năm trước.

Pháp Luật TP.HCM xin giới thiệu bài viết của nhà nghiên cứu Nguyễn Đình Đầu về vấn đề trên.

Từ điển Bách khoa Việt Nam giải thích: Giao Chỉ là tên gọi do các triều đại phong kiến Trung Quốc dùng chỉ người và nước Việt Nam xưa. Thời Hùng Vương, Giao Chỉ là một trong 15 bộ của nước Văn Lang… Các triều đại phong kiến Trung Quốc sau này nhiều khi vẫn dùng tên Giao chỉ cũng như tên An Nam để chỉ quốc gia và nhân dân Đại Việt. Trong nhiều văn bản và bi ký, tên Giao Chỉ vẫn còn chỉ nước ta tới hết thế kỷ XIX.

Người Trung Quốc không gọi biển Đông là biển Nam Trung Hoa

Trên hai trang 11b và 12a trích từ sưu tập bản đồ Võ bị chí (ghi lại cuộc hành trình của Trịnh Hòa trong thời gian 1405-1433 đi từ Trung Quốc qua Ấn Độ dương tới Phi Châu) có vẽ nước ta tuy đơn giản nhưng cũng rõ ràng: Nước Giao Chỉ bắc giáp Khâm Châu Trung Quốc, nam giáp nước Chiêm Thành, đông giáp biển cả mang tên Giao Chỉ dương, tức biển của nước Giao Chỉ. Đây là tư liệu của Trung Hoa khắc vẽ về nước ta và biển cả thuộc về nước ta từ thế kỷ XV.

Năm 1842, tác giả người Trung Hoa – Ngụy Nguyên xuất bản sách Hải quốc đồ chí mô tả và khắc vẽ bản đồ tất cả các nước trên thế giới và toàn thể năm châu bốn bể, theo phương pháp khoa học với kinh tuyến và vĩ tuyến. Trong sách này, Ngụy Nguyên đã vẽ hai bản đồ về Việt Nam. Trong đó, bản đồ thứ nhất vẽ sơ sài, chia nước ta ra hai phần (Việt Nam Đông đô và Việt Nam Tây đô). Ở ngoài khơi phía đông hai phần Việt Nam, Ngụy Nguyên ghi rõ là Đông Dương đại hải, tức biển Đông rất lớn.

Bản đồ 1, nước Giao Chỉ với Giao Chỉ dương, trích từ bộ Võ bị chí. (Ảnh chụp lại từ tư liệu của nhà nghiên cứu Nguyễn Đình Đầu)

Cũng trong tác phẩm Hải quốc đồ chí, Ngụy Nguyên còn khắc vẽ bản đồ An Nam quốc với đường nét đúng kinh tuyến và vĩ tuyến rất rộng lớn. Ngoài khơi nước An Nam có ghi rõ Đông Nam hải, tức là biển Đông Nam.

Rõ ràng, hầu hết bản đồ Trung Hoa vẽ về Việt Nam từ thế kỷ XV hoặc trước nữa cho tới đầu thế kỷ XX đều ghi biển cả phía đông Việt Nam là Giao Chỉ dương hay Đông Dương đại hải hoặc Đông Nam hải, đều có nghĩa là biển của Giao chỉ (tức Việt Nam) hay đơn giản là biển Đông (của Việt Nam).

Việt Nam thực thi liên tục chủ quyền của mình

Như chúng ta biết, ít nhất từ đầu thế kỷ XVII Việt Nam đã thi hành chủ quyền trên hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa ở giữa biển Đông một cách chính thức, liên tục và không hề thấy một quốc gia hay dân tộc nào đến khiếu nại hay tranh giành. Từ khi chiếm nước ta làm thuộc địa, Pháp đã nhân danh Việt Nam thi hành chủ quyền ấy đúng công pháp quốc tế. Pháp đã xây dựng hai trạm khí tượng theo hệ thống quốc tế trên đảo Hoàng Sa và đảo Ba Bình trong quần đảo Trường Sa.

Năm 1947, chính phủ Trung Hoa dân quốc đưa ra yêu sách về chủ quyền biển Đông theo “đường lưỡi bò gồm 11 khúc đứt đoạn”. Năm 1949, chính quyền Cộng hòa nhân dân Trung Hoa cũng yêu cầu tương tự nhưng không quyết liệt, quốc tế coi như làm ngơ. Ngày 14-10-1950, tại Hội nghị ký hòa ước San Francisco (Liên Hiệp Quốc), Thủ tướng Trần Văn Hữu của chính quyền Bảo Đại do Pháp bảo trợ đã tuyên bố: “Chúng tôi xác nhận chủ quyền đã có từ lâu đời của chúng tôi trên quần đảo Trường Sa và Hoàng Sa”…

Bản đồ 3, An Nam quốc với biển Đông Nam hải, trích Hải quốc đồ chí. (Ảnh chụp lại từ tư liệu của Nhà nghiên cứu Nguyễn Đình Đầu)

Những bước leo thang trên biển Đông

Ngày 15-1-1974, Trung Quốc đem quân đến đánh chiếm các đảo Hoàng Sa. Dưới thời của nước Cộng hòa XHCN Việt Nam, Trung Quốc đem thủy quân hùng hậu đánh chiếm một số đảo trong quần đảo Trường Sa của Việt Nam (năm 1988).

Ngày 21-2-1992, Trung Quốc ra quy định biển Đông thuộc lãnh hải tỉnh Hải Nam, theo bản đồ với những “đường cắt khúc chín đoạn” chiếm hầu hết biển Đông, thâu tóm cả Hoàng Sa và Trường Sa của Việt Nam. Trung Quốc đã chính thức trình lên Liên Hiệp Quốc bản đồ “đường lưỡi bò” vào năm 2009. Việt Nam và các nước liên quan đã phản đối sự phi lý, không phù hợp với luật pháp quốc tế của “đường lưỡi bò” này.

Mấy tháng gần đầy, Trung Quốc ngang nhiên cấm đánh cá trên biển Đông, xâm phạm vào cả vùng biển thuộc chủ quyền của Việt Nam. Gần đây nhất, Trung Quốc có hành động ngang ngược là gây hấn với các tàu thăm dò dầu khí hay các chương trình nghiên cứu khác về biển. Những hành vi gây hấn này được Trung Quốc tiến hành trong phạm vi “đường lưỡi bò”, mặc dù đường ranh giới này vi phạm Công ước quốc tế về Luật Biển 1982 của Liên Hiệp Quốc.

Phải khẳng định rằng những hành vi của Trung Quốc là sai trái, vi phạm nghiêm trọng luật pháp quốc tế, xâm phạm trắng trợn vào vùng đặc quyền kinh tế của Việt Nam. Việc gọi tên biển Nam Trung Hoa không có nghĩa đó là biển của Trung Quốc và Trung Quốc có quyền thực thi chủ quyền xâm phạm cả vào vùng biển của các nước khác được xác lập theo đúng Công ước quốc tế về luật biển 1982.

Nguồn: Pháp luật Thành phố Hồ Chí Minh

CẶP PHẠM TRÙ CHUNG RIÊNG TRONG QUẢN LÝ VÀ ĐIỀU HÀNH

 

CẶP PHẠM TRÙ CHUNG RIÊNG TRONG QUẢN LÝ VÀ ĐIỀU HÀNH
Tác giả: BS Hồ Hải

 

Hôm qua đọc báo có tin Bộ tài chính trình thường trực ban bí thư phương án 9 triệu đồng trở xuống không phải nộp thuế thu nhập cá nhân. Không biết rằng trong văn bản pháp luật của nước Cộng Hòa Xã Hội Chủ Nghĩa Việt Nam từ thuở khai sinh lập địa đến nay, có qui định nào là, bộ tài chính không cần thông qua quốc hội và chính phủ mà chỉ cần đi “một cửa, một dấu” thẳng tới đảng để đảng cộng sản Việt Nam giải quyết vấn đề thuế má đối với dân hay không?

Nếu chưa có luật và văn bản thì đề nghị kỳ họp quốc hội lần đầu tiên của khóa 13, trong tháng 7/2011 này nên ưu tiên bàn luận và đưa ra luật xóa chính phủ và quốc hội để đảng trực tiếp lãnh đạo đất nước như câu khẩu hiệu: “đảng lãnh đạo, nhà nước quản lý, nhân dân làm chủ” mà lâu nay vẫn hiện hành.
Điều này có nhiều cái lợi. Cái lợi thứ nhất là bộ máy không còn cồng kềnh thêm chính phủ và quốc hội rườm rà. Thứ hai là, giảm bớt quỹ lương, tiết kiệm được tiền để lo chuyện quốc kế dân sinh. Lợi thứ ba là, thủ tục hành chánh giảm nhẹ bớt cồng kềnh, một cửa một dấu vậy mà nhanh. Lợi cuối cùng là dù gì quốc hội và chính phủ cũng là của đảng, ở một xã hội đơn nguyên như Việt Nam hiện nay thì, đảng trực tiếp lãnh đạo vẫn hay hơn là cũng những con người của đảng đặt tên ban bệ như lâu nay, lại mang tiếng với dân tình và thế giới là đảng độc quyền. Thôi thì đã lỡ mang tiếng rồi thì cho mang tiếng luôn để không phải mang tiếng mỵ dân.

Ngược với những phục tùng sự lãnh đạo của đảng ở bộ tài chính, thì bên khối giáo dục mấy hôm nay lại đòi quyền tự quản cho những việc tổ chức thi tốt nghiệp và tuyển vào đại học. Dẫu biết rằng chuyện tự quản này cũng do những con chiên của đảng nắm quyền. Nhưng như thế thì lại xé lẻ ra câu chuyện ôm đồm quản lý của đảng so với câu chuyện bộ tài chính đi tắt đón đầu ở trên.

Trong bài viết Năng lực khoa học và năng lực lãnh đạo của tôi hồi năm 2009. Câu chuyện tư duy trong lãnh đạo và trong khoa học ở ngành giáo dục nói riêng và của các ngành khác là phải biết phát huy cái riêng đến tận cùng để đạt hiệu quả cao rồi quay lại phục vụ cái chung. Đó là triết lý duy vật luận cần phải nắm trong điều hành chính sách nhà nước.

Giáo dục của chúng ta cứ cải cách hết năm này sang năm nọ. Tính ra cải cách đó đã qua đúng một vòng 12 năm của giáo dục phổ thông. Nhưng vẫn còn muốn làm dự thảo nháp để chi phí tiền của dân.
Cách học, cách dạy và cách tuyển sinh thì thế giới đã làm từ khi nước Việt Nam dân chủ cộng hòa chưa ra đời. Ngay cả thời đất nước chưa thống nhất thì giáo dục ở miền Nam Việt Nam cũng đã rất hoàn hảo để tạo ra những thế hệ người Việt vang danh khắp năm châu bốn bể. Chuyện thi cử tú tài của chế độ VNCH cũng đã được ông Nguyễn Văn Lục viết rất đầy đủ trên một trang mạng nổi tiếng người Việt ở nước ngoài. Và nó đã được đem về đây. Không cứ gì phải nghĩ ra “sáng kiến” với “tối kiến” để tăng nợ công làm ra lạm phát kịch trần như hiện nay.

Qua sự tréo ngoe của hai cấp lãnh đạo mà tôi đã đưa ra ở trên. Một ở trung ương thì muốn ngồi chồm hổm trên pháp luật và hiến pháp để tinh gọn chỉ đạo, xem thường phép nước luật nhà, để quyết định thuế thu nhập đối với dân, vì trước đó quốc hội đã bác dự thảo này. Một là của cán bộ cơ sở muốn cải cách nước nhà đi ngược với quan điểm và tư tưởng của đảng, thì hoạt động giáo dục mới tốt hơn. Tôi thấy rằng, cả 2 cách đề đạt đều đứng trên quan điểm chủ quan, mà không thấy hết triết lý của quản lý và giáo dục nước nhà.

Tư duy và hành động quản lý phải đi từ triết lý của sự việc: thúc đẩy cái riêng phát triển đến tối ưu để phục vụ cái chung. Đó là triết lý cần có cho nước nhà hiện nay. Để cái riêng phát triển tột bậc, thì quan điểm sở hữu toàn dân hay quốc gia của đảng cần xem lại. Vì không ai bỏ hết công sức của mình để làm lợi cho cái chung, mà mình không có xơ múi gì. Câu chuyện khoán 10 và phải cỡi trói hồi thập kỷ 1980s ở miền Nam đã chứng minh điều này rất rõ. Nhưng không hiểu tại sao đến giờ này đảng vẫn đánh tráo khái niệm từ sở hữu toàn dân thành sở hữu quốc gia?

Không sợ vì cái riêng làm tha hóa, rồi đổ thừa cho mặt trái của kinh tế thị trường một cách ngụy biện. Mà chỉ sợ pháp luật không nghiêm minh biến cái chung thành của riêng để đẩy tham vọng của giai cấp cầm quyền thành tha hóa của con người.

Vấn đề sở hữu tư nhân phải cần đặt lên hàng đầu trong đường lối và sách lược nước nhà trong kỳ họp quốc hội lần thứ nhất khóa 13, khi có sửa đổi hiến pháp và luật pháp. Nếu không việc nước, việc nhà mãi mãi tréo ngoe.

Asia Clinic, 15h56′, ngày thứ Năm, 23/6/2011

Trung Quốc có trên 80 triệu đảng viên cộng sản

TQ có trên 80 triệu đảng viên cộng sản

Trước ngày kỷ niệm 90 năm thành lập ngày 1/7, đảng Cộng sản Trung Quốc tuyên bố họ có số thành viên vượt ngưỡng 80 triệu.

Với chừng 21 triệu người xin gia nhập hàng ngũ cộng sản năm 2010, và trong đó chỉ có 14% được chấp nhận, đảng Cộng sản Trung Quốc nay là đảng chính trị lớn nhất thế giới.

Nhưng cùng với quá trình giàu lên nhanh chóng tại các khu vực đô thị trong dân chúng Trung Quốc, đảng này từ mấy năm qua đã chấp nhận cho tầng lớp thương gia, thậm chí triệu phú vào đội ngũ của họ.

Để vào Đảng, ứng cử viên phải được chứng nhận, ủng hộ của các đảng viên tại vị và bị kiểm tra lý lịch chặt chẽ.

Vào Đảng cũng đem lại quyền lợi to lớn nên con số đảng viên tăng cũng là chuyện dễ hiểu.

Nhiều vị trí trong Nhà nước và cả các doanh nghiệp lớn chỉ dành cho đảng viên, và con cái họ cũng được học ở những trường tốt hơn.

Đó là chưa kể một mạng lưới quan hệ xuyên suốt hệ thống chính trị, hành chính và kinh doanh, liên kết các đảng viên với nhau.

Từ nông dân mà ra

Con số đảng viên cộng sản ở Trung Quốc chính thức là 80 triệu 270 nghìn tính đến cuối năm 2010, chỉ chiếm 6% dân số cả nước nhưng bằng dân số Đức, nước lớn nhất EU.

Về thành phần, năm 2010 có 24% đảng viên dưới 35 tuổi, và phụ nữ chiếm 22% tổng số người Trung Quốc đeo thẻ Đảng.

Ra đời năm 1921 với lãnh tụ đầu tiên là ông Trần Độc Tú, Đảng Cộng sản Trung Quốc ban đầu chủ yếu là tổ chức của giới trí thức Trung Quốc lấy tinh thần từ cuộc đấu tranh Ngũ Tứ năm 1919.

Nhưng cùng các biến động chính trị ở nước này và vai trò của Liên Xô trợ giúp cả hai phe Cộng Sản và Quốc Dân Đảng kháng Nhật, phái ‘nông dân’ của ông Mao Trạch Đông dần chiếm quyền lãnh đạo.

Với các “kỳ tích” được tô vẽ thêm nhiều sau này, Đảng Cộng sản Trung Quốc với đội quân vũ trang Hồng quân công nông theo mô hình Liên Xô, đã có cuộc Vạn lý Trường Chinh rút về vùng Thiểm Tây xa xôi.

Theo thuyết lấy nông thôn bao vây thành thị, họ đã thắng Chính phủ Tưởng Giới Thạch trong cuộc nội chiến Quốc – Cộng và chiếm toàn bộ Hoa lục năm 1949.

Nhưng cũng nông dân Trung Quốc bị chết đói ở con số hàng triệu hoặc bị hành hạ tàn bạo trong các cuộc Đại Nhảy Vọt và Cải Cách Thổ Địa.

Sau đó, Cách mạng Văn hóa cực tả đã tàn phá ghê gớm di sản tri thức và tiêu diệt giới có học ở đô thị của Trung Quốc.

Với bên ngoài, Đại Cách mạng Văn hóa Vô sản (1966- 1976), và cuộc thảm sát Thiên An Môn 1989 là hai sự kiện quốc tế biết nhiều nhất về nước Trung Quốc cộng sản.

Các đợt thanh trừng nội bộ ở cấp cao nhất trong Đảng cũng luôn là đề tài giới báo chí nước ngoài quan tâm.

Tuy nhiên, kể từ giai đoạn Khai Phóng (Mở Cửa), các đảng cộng sản từ cấp cao nhất ngheo theo thuyết ‘Mèo đen, mèo trắng’ của lãnh tụ Đặng Tiểu Bình, đã bỏ hẳn tư duy thiên tả của một thời.

‘Tập đoàn Trung Quốc’

Ngày nay, như bình luận của nhà báo Anh, ông Richard McGregor trong một cuốn sách về Trung Quốc, Đảng Cộng sản ở nước này là một tập đoàn kinh doanh.

Từng làm trưởng đại diện cho tờ Financial Times tại Bắc Kinh, McGregor gọi đó là “China Inc.” tức Tập đoàn Trung Quốc gồm “Đảng và giới làm ăn”.

Cuốn sách “The Party -The Secret World of China’s Communist Rulers” mô tả việc Đảng dùng các nhà băng để kiểm soát nền kinh tế và hệ thống tín dụng, kinh doanh địa ốc cũng như làm các thương vụ bạc tỷ.

Theo thuyết ‘Nắm To, bỏ rơi Nhỏ” của Thủ tướng Chu Dung Cơ từ thập niên 1990, Trung Quốc cho cổ phần hóa kinh tế quốc doanh, và từ đó, chính sách tự do hóa kinh tế cũng cho phép khu vực tư nhân và đầu tư nước ngoài khởi sắc.

Nhưng các dự án lớn nhất, trọng yếu nhất luôn được triển khai với sự chỉ đạo và vì quyền lợi tối cao của Đảng.

Hoạt động của ḥê thống quyền và tiền liên kết này được các nhà phân tích đặt ra tên gọi “chủ nghĩa tư bản nhà nước kiểu Trung Quốc”.

Sau ông Đặng Tiểu Bình, thuyết Ba Đại Diện được lãnh tụ Giang Trạch Dân và phái Thượng Hải cổ xúy đã chính thức hoá về lý luận vai trò của tầng lớp tư bản đỏ trong cuộc Cải cách, bên cạnh lực lượng công nông binh truyền thống.

Dù vậy, trong Đảng Cộng sản Trung Quốc hiện cũng có một phái Tân Tả, mang màu sắc dân túyvà phản ứng lại cách nghĩ coi tăng trưởng kinh tế là trên hết.

Họ chỉ ra rằng vấn đề ruộng đất và nông dân lại một lần nữa có nguy cơ gây bất ổn xã hội.

Theo chuyên gia phân tích tình hình Trung Quốc của BBC, ông Trần Thời Vinh (Chen Shirong), sau 90 năm thành lập, đúng là đang có chuyện “một số nhân vật trong đảng này tìm cách khôi phục quan điểm cộng sản cổ điển”.

“Nhưng họ muốn dùng đó là cách bảo vệ sự cầm quyền của Đảng khi lý tưởng cộng sản đang bị thay thế bởi hiện thực vật chất của chủ nghĩa tư bản mang đặc thù Trung Quốc.”

Vì thế, phái Tân Tả không thúc đẩy cho một sự chuyển đổi sang dân chủ xã hội như Đông Âu.

Mua bán căn hộ chung cư cao cấp ở Bắc Kinh: kinh tế tư bản bùng nổ thúc đẩy đô thị hóa ồ ạt tại Trung Quốc

Chính thức mà nói, chủ trương cao nhất như Chủ tịch đương nhiệm, ông Hồ Cẩm Đào nêu ra là điều hòa các mâu thuẫn giữa hai xu thế trên để tiếp tục phát triển, hiện đại hóa.

Trong một diễn văn vào tháng 12/2008, đánh dấu 20 năm cải cách, ông Hồ nói “hiện đại hóa xã hội chủ nghĩa” ở Trung Quốc là giai đoạn “đẩy nhanh tăng trưởng kinh tế” nhưng không cần hệ thống chính trị dân chủ đa đảng.

Ông không phủ nhận đa đảng là xấu mà nói “dân chủ đa đảng sẽ cần hơn 10, thậm chí vài chục thế hệ để đến với Trung Quốc.

Trước mắt, theo ông Hồ, Trung Quốc cần “chủ nghĩa xã hội với đặc trưng Trung Hoa”.

Về hình thức, dù chỉ có một đảng cộng sản độc quyền lãnh đạo, Trung Quốc vẫn có quốc hội hiệp thương gồm một số đảng phái khác cùng họp nhưng không có quyền.

Ngoài ra, tại đặc khu hành chính Hong Kong và tại Macao, hoạt động chính trị đa đảng vẫn có như một di sản thời kỳ người châu Âu chiếm đóng.

Đảng Cộng sản Trung Quốc cũng đối thoại với Quốc Dân Đảng ở Đài Loan.

Nhưng chính sách tôn giáo của Đảng vẫn gặp nhiều phê phán với quan hệ Bắc Kinh – Vatican chưa hề tiến triển, nhiều phái Tin Lành cáo buộc họ bị trấn áp, và giáo phái Pháp Luân Công bị chính quyền coi là tà đạo và bị bắt bớ, truy đuổi.

Chính sách dân tộc với Tân Cương, Tây Tạng và cách đối ngoại của Đảng với láng giềng, nhất là trong tranh chấp biển đảo, kể cả với nước cộng sản láng giềng Việt Nam, là tâm điểm của một loạt căng thẳng mấy năm qua.

Và không chỉ làm chủ Trung Quốc với trên 1,3 tỷ dân, các nhà lãnh đạo Trung Nam Hải còn đang tỏ ra là người đại diện về văn hóa cho dân tộc Trung Hoa.

Nhân kỷ niệm sinh nhật 90 của Đảng, Trung Quốc tung ra một bộ phim có ngân sách khổng lồ và dàn diễn viên nổi tiếng hơn 120 người, gồm cả các ngôi sao màn bạc Hong Kong và Đài Loan.

Dẫn nguồn: BBC Tiếng Việt

Sau Vinashin là Vina…sách

Xin được trích đăng từ bài “PN&HĐ: Họa và phúc, vinasach và cây bút trước sự thật!” của tác giả Kỳ Duyên đăng trên Vietnamnet.

Vina…sach

Xin được mượn từ của nhà văn Nguyễn Quang Lập, khi ông ví với Đề án đổi mới chương trình, sách giáo khoa sau năm 2015, với số tiền đầu tư 70 ngàn tỷ đồng của Bộ Giáo dục, vì nó quá chính xác. Đây cũng là thông tin nổi bật của tuần, vừa đưa ra đã khiến cả xã hội sốc nặng.

Người dân sốc nặng vì quá chán ngán giáo dục với những chủ trương “không lối thoát”. Nay lại chất ngất con số hàng ngàn tỷ đồng tiền thuế họ sẽ phải đóng.

Còn những nhà khoa học, những chuyên gia, những người am hiểu giáo dục, sốc vì nhiều lẽ. Cái lẽ lớn nhất là tư duy giáo dục xơ cứng chai lì, cũ kỹ, cho dù đề án mang tên Đổi mới!

Không biết vì sao, ngành giáo dục rất hay làm ngược. Nó phải được coi là nét “bản sắc” truyền thống của ngành, từ cái nhỏ nhất đến cái lớn nhất:

Nhỏ nhất, như tên gọi đề án. Mới ở mức dự thảo, đã được gọi là đề án.Nhỏ vừa, là chưa xây dựng chuẩn kiến thức, đã lại xây dựng chương trình. Đây là cách làm thuận tay nhiều năm của ngành giáo dục.

Lớn nhất, như chiến lược giáo dục. Dự thảo văn bản chiến lược giáo dục (2008-2020) xây dựng tới 20 lần vẫn chưa được thông qua. Từ chiến lược giáo dục này, mới triển khai Đổi mới giáo dục toàn diện theo kết luận của ĐH Đảng lần thứ XI. Trong cuộc đổi mới đó, chương trình, sách giáo khoa mới được tung ra. Chưa có chiến lược,chưa có đổi mới, chương trình, sách giáo khoa đã cầm đèn chạy trước. Phải chăng, vì nhân danh chương trình, sách giáo khoa thì sẽ dễ tiêu tiền hơn?

Còn nếu nói như ai đó, là phải làm sớm cho kịp với triển khai đổi mới giáo dục sau 2015, thì cũng là tư duy …ngược. Hơn nữa, phải rất tài năng, mới xây dựng được chương trình, sách giáo khoa theo kiểu “tiên đoán” gắn với con người của thế kỷ 21 hiện đại và hội nhập. Còn nếu không vẫn là viết chương trình, sách giáo khoa kiểu “thầy giáo… sờ voi”.

Không đề cập đến sự sơ sài (32 trang giấy), sự đánh tráo khái niệm (tiếng là đề án chương trình, sách giáo khoa nhưng thực chất tiền cho chương trình, sách giáo khoa chỉ chiếm 1/70 tổng số đầu tư), hay khái niệm tưởng mới “tiếp cận năng lực” mà thật ra nội dung chẳng có gì mới, người viết bài chỉ xin nêu những cái phi khoa học, và cách tư duy cũ kỹ khi chủ trương chọn viết chương trình, sách giáo khoa mới.

Chương trình, sách giáo khoa mới phải được viết trên nền tảng một cơ cấu, hệ thống giáo dục rõ ràng về quan điểm.Ngành giáo dục cần trả lời cho xã hội biết loại hình THPT có phân ban nữa hay không? Bậc tiểu học 5 hay 6 năm, khi mà hiện nay các bé mẫu giáo 5 tuổi đã học chữ?

Chương trình, sách giáo khoa mới phải triển khai đồng bộ với đổi mới cách đánh giá, thi cử. Vậy chủ trương đổi mới cách đánh giá, thi cử sẽ ra sao? Trong khi tư tưởng đổi mới cách đánh giá, thi cử của ngành vẫn mập mờ, không rõ ràng.

Chương trình, sách giáo khoa mới phải gắn với nâng cao chất lượng người thầy. Vậy các trường sư phạm cần chính sách ưu tiên, và phải đổi mới thế nào để thật sự tạo ra sức đột phá trong đổi mới phương pháp?

Tất cả điều này, về cơ bản, liệu có phải vẫn là một số 0 tròn trĩnh?

Người viết bài gắn bó với giáo dục quá nhiều năm. Theo dõi các cuộc cải cách,đổi mới giáo dục (1981, 2001), và lịch sử cải cách giáo dục, thấy rằng các cuộc cải cách giáo dục hoặc đổi mới giáo dục, ngành đều chọn khâu xây dựng chương trình, sách giáo khoa mới- coi như yếu tố quyết định đầu tiên, và tập trung toàn lực cho khâu này. Tuy nhiên, đáng tiếc, chưa cuộc cải cách giáo dục, hoặc đổi mới giáo dục nào được coi thành công. Nay, ngành lại tiếp tục “con đường mòn ấy”. Tư duy ấy chắc chắn một lần nữa, hứa hẹn sự… thất bại cũ!

Trong khi đó, một thực tiễn hiển nhiên: Đất nước ta, nếu không có công cuộc đổi mới cơ chế quản lý, hẳn sẽ không thể có sự thay đổi diện mạo hôm nay, cho dù còn đứng trước nhiều thách thức và nguy cơ.

Một xã hội rộng lớn, nếu quyết tâm còn thay đổi được. Không lý gì ngành GD vẫn giữ mãi cơ chế ban phát xin- cho, cầm tay chỉ việc các trường. Sự đổi mới cơ chế quản lý giáo dục mới cần được coi là giải pháp đột phá. Để từ đó, các chính sách GD mới nảy sinh, điều chỉnh phù hợp thực tiễn và quy luật, khai thác tính tự chủ, sáng tạo, tự chịu trách nhiệm cơ sở.

Trong môi trường đó, từ trường đến cá thể giáo dục được tôn trọng, sức sáng tạo mới giải phóng. Khi đó, “vòng kim- cô bệnh thành tích”, thực chất là dối trá triền miên, cũng sẽ dần bị vô hiệu hóa.

Con tàu vina…sách, với 70 nghìn tỉ đồng dự kiến đầu tư, mới phác thảo trên giấy, đã bộc lộ những khuyết tật mang tính hệ thống, liệu có sẽ là con số nợ dân trong sự thất vọng tràn trề tiếp theo?

Tác giả: KỲ DUYÊN

Nguồn: Vietnamnet

(Tên bài do người viết tự đặt, phần trích đăng lấy từ Vietnamnet của tác giả Kỳ Duyên)

Khái niệm “Tối Ưu Hóa” (Optimization)

Khái niệm “Tối Ưu Hóa” (Optimization) 

Phạm Quang Tuấn  

Tôi còn nhớ, cách đây hơn bốn chục năm, ông Giáo sư của tôi giải thích về nghề kỹ sư: 

“An engineer is someone who can do what any fool can do, but cheaper” (Kỹ sư là một người có thể làm bất cứ cái gì mà thằng ngu nào cũng có thể làm được, nhưng họ làm rẻ hơn). 

Đó là khái niệm đầu tiên của tôi về tối ưu hóa. Người Kỹ sư luôn luôn có nhiều cách giải quyết một vấn đề, xây dựng một công trình, và họ có khả năng hơn người “ngoại đạo” là họ có thể giải quyết một cách đỡ tốn kém hơn (nhưng dĩ nhiên không kém chất lượng). 

Nhưng, không phải chỉ Kỹ sư: tối ưu hóa là cái mà ai cũng làm. Chỉ có điều là người ta làm mà không biết (“Ủa, mình nói văn xuôi cả đời mà không biết!” – Molière, Le Bourgeois Gentilhomme). Bạn cưới vợ? Bạn đang tối ưu hóa hạnh phúc của bạn – không có vợ thì tự do, có vợ thì ấm áp, cái nào hơn? Bạn mua nhà – mua thì phải vay tiền, phải tốn công tốn tiền sửa chữa, thuê thì mất tiền thuê, cái nào hơn? Mua nhà đắt hay nhà rẻ? Bạn học bài, làm homework – thi đỗ cao thì tương lai tươi sáng, không làm bài thì có thì giờ tán gái, bạn chọn cái nào? 

Tất cả những cái đó là tối ưu hóa – bạn phải CHỌN giữa nhiều đường lối để làm tối ưu (optimize) hạnh phúc, hay nói chung là làm tối ưu hệ quả những công sức, tốn kém, tài sản của bạn. 

Khi cai quản một quốc gia thì có những sự chọn lựa tương tự. Chính phủ nên chọn xây đường sắt, đường thủy, đường bay hay đường bộ? Dĩ nhiên, đường nào cũng TỐT cả, nhưng đường nào TỐT NHẤT? Và nếu đường sắt thì đường hạng 1 (cao tốc), 2 (trung tốc) hay 3 (hạ tốc) tốt nhất, có lợi cho dân nhất? Và làm vào lúc nào? Bạn khai thác bauxite thì khai thác ở tầm cỡ nào, theo cách nào, trong thời điểm nào, với đối tượng nào là TỐT NHẤT? Bạn chọn cái “tốt”, nhưng KHÔNG TỐT NHẤT thì sẽ thiếu tiền để dùng vào biện pháp TỐT NHẤT, và do đó, bạn sẽ phung phí, và phung phí đưa tới giật lùi. Sự phung phí đó sẽ để hậu quả cho con cái gánh chịu. Tài nguyên của một nước cũng như của một người đều có giới hạn, dùng sai chỗ quá nhiều thì sẽ phá sản. Trong thế giới cạnh tranh, nếu láng giềng của bạn chọn cái tốt hơn bạn, hữu hiệu, ít phung phí hơn, thì họ sẽ vượt lên và đè cổ bạn. 

Sự khác biệt chính giữa việc tối ưu hóa cá nhân (lấy vợ/không lấy vợ, mua nhà/thuê nhà) và tối ưu hóa công cộng hay quốc gia là: Việc cá nhân thì cá nhân phải lãnh chịu hậu quả, nếu quyết định sai. Việc quốc gia thì cả nước, cả trăm triệu người dân, cả trăm triệu con cháu chúng ta sau này phải lãnh chịu. Lãnh chịu nghĩa là chịu nghèo hèn lâu dài thêm, chịu cúi đầu cặm cụi trả nợ hay làm nô lệ cho các ông chủ ngoại quốc – về kinh tế, quốc phòng, chủ quyền v.v. – để đền bồi cho sự ngu xuẩn hay tham lam của những kẻ cầm quyền một thời. 

Bạn có thể lý luận: đây là tiền vay mượn, ODA, chứ không phải là tiền “của ta”. Nhưng, tiền vay đó thì ai sẽ trả? Xin thưa: con cháu. Vậy đó thực ra là tiền của con cháu (con cháu thường dân, chứ không phải còn cháu các ông lớn, vì con cháu các ông lớn sống phè phỡn bằng tiền lãi của ngân hàng Thụy Sĩ chứ không phải trả nợ ai cả). Nếu bạn không tối ưu hóa việc sử dụng tiền của con cháu người dân, để chi tiêu tối thiểu và có tác dụng tốt tối đa, thì bạn là kẻ tội đồ, thậm chí là kẻ thù của dân tộc. 

Vậy, vấn đề không phải là LÀM hay KHÔNG LÀM, mà là làm lúc nào, cách nào, tầm cỡ nào, trình độ nào cho tốt nhất. Mỗi khi ngài Bộ trưởng ra trước Quốc hội để gân cổ chứng minh rằng cách tiêu tiền của ngài TỐT, xin ngài hãy suy nghĩ lại, và tìm cách chứng minh rằng cách đó là tốt NHẤT, theo ý của ngài. 

Và mong các đại biểu Quốc hội, thay vì chỉ hỏi “Tốt hay xấu”, hãy biết hỏi “Có cách nào TỐT HƠN không?” 

PQT

Trích dẫn từ mục: Phản biện , Phim Viet’s note, Facebook Phim Viet

Báo chí ơi, dân “đói” lắm

Hôm nay, ngày 17/6/2011 xảy ra 1 sự kiện mà tôi rất đỗi bất ngờ và nghĩ sẽ chẳng bao giờ xảy ra cả. Đó là vietnamnet chạy 1 tin dịch từ tờ New York Times “Hải quân Trung Quốc với xa, khu vực bất an“, mà tôi đã dịch sơ lược trước đó vào ngày 15/6/2011. Tất nhiên, tôi không phải là một người làm báo hay chuyên về dịch thuật, mà đơn giản chỉ là đọc xong rồi dịch sơ lược cho những ai quan tâm có thể thu thập thêm thông tin. Tôi cũng chưa bao giờ có ý định phô trương bản thân qua chuyện này, mà muốn viết ra để nói lên 1 điều, tôi cũng như nhiều người khác thực sự đói thông tin. Và khi đói, thì phải bò.

Ngày hôm qua, có đọc 1 bài trên quechoa blog đề cập tới việc Việt Nam có 1″ thị trường báo chí”. “Theo số liệu của Hội Nhà Báo Việt Nam thì cả nước ta hiện có trên 800 ấn phẩm báo, chí. Trong đó có  gần 200 tờ báo ngày và báo tuần; 63 tờ báo trung ương, 97 tờ báo địa phương, chưa kể hàng trăm bản tin ngành, bản tin doanh nghiệp, tin huyện. Đó là nói báo viết, báo in giấy mà ông Thái Doãn Hợp một thời gọi là “lề phải”.

Phải nói rằng, trong những năm qua, báo chí Việt Nam đã có những bước phát triển rất lớn, cả về số lượng lẫn chất lượng (theo đánh giá của tôi, 1 độc giả, bởi tôi không phải là người trong ngành). Những tin tức trong nước luôn được đăng tải nhanh chóng, kịp thời. Tuy nhiên, đứng trước những vấn đề mang tính “nhạy cảm chính trị” thì người đọc theo nghĩa hẹp, và người dân theo nghĩa rộng lại không được thông tin đầy đủ. Có lẽ từ đó, cái từ “lề phải” dần trở nên phổ biến để ám chỉ việc đưa tin theo 1 chiều như hiện nay.

Và đó cũng là câu chuyện liên quan tới vietnamnet như đề cập ở phần trên. Hãy khoan bàn tới chuyện yêu nước, quốc gia đại sự. Với 1 người dân Việt Nam bình thường như tôi, thì việc tìm hiểu thông tin liên quan tới vấn đề an ninh đất nước là 1 vấn đề hoàn toàn chính đáng. Nhưng thử điểm lại vai trò của báo chí trong những ngày căng thẳng trên biển Đông, dễ dàng nhận thấy sự vắng bóng của những tờ báo “hot”, cả điện tử lẫn báo giấy. Đó là những vấn đề liên quan tới chi tiết mọi diễn biến của sự việc, hoạt động “tụ tập” của nhân dân, và đặc biệt là những chính sách ngoại giao phản ứng trước những sự kiện trên. Đó là lý do tại sao, tôi dành nhiều thời gian để tìm hiểu thông tin qua những trang báo nước ngoài: của Trung Quốc và thế giới. Và 1 lần, tôi đã đọc được bài báo mà vietnamnet đăng tải sáng ngày 17/6.

Cái tin đó không hẳn là một tin quá hay, mang nhiều giá trị tham khảo, mà vấn đề nằm ở chỗ: chúng ta đã thực sự quan tâm tới tiếng nói của cộng đồng quốc tế trong vấn đề giải quyết tranh chấp căng thẳng trên biển Đông (bởi dẫu sao NYT cũng là 1 tờ báo có tiếng); và khi không để dân “no” thông tin, thì hiển nhiên dân sẽ bò đi tìm. Và khi đã chủ động tìm kiếm, thì ắt hẳn sẽ thiếu đi “tính định hướng” thường được đề cập như 1 vai trò quan trọng của báo chí Việt Nam.

Mạn phép bàn luận dựa trên 1 sự việc nhỏ như trên, để thấy được vai trò lớn của báo chí, truyền thông trước những sự kiện lớn mang tính xã hội, quốc gia. Hy vọng với một “thị trường báo chí” phát triển, người dân sẽ được cung cấp đầy đủ, chính xác mọi mặt của đời sống, để nhân dân không đứng ngoài trước những sự kiện trọng đại của đất nước.

Vấn đề Trung Cộng

LTS: Gần đây, Trung Cộng đã tỏ rõ mưu đồ bành chướng. Những chuyến thăm ngoại giao liên tục được tiến hành, trong thời điểm vấn đề Biển Đông đang dậy sóng. Vậy điều gì khiến Trung Cộng bắt đầu thực thi những mưu đồ đó một các trắng trợn? Phải chăng những thành quả của phát triển kinh tế, những lợi ích của nhiều quốc gia đã gắn chặt với Trung Quốc khiến chúng tự tin đến vậy. Thêm một bài viết về Trung Quốc để biết mình biết ta.

Tại sao Đảng Cộng Sản Trung Quốc có bạn bè khắp năm châu?

Năm 2011 đánh dấu kỷ niệm 90 năm thành lập Đảng Cộng sản Trung Quốc. Rất ít các đảng phái chính trị trên thế giới có 90 năm lịch sử, và thậm chí, còn hiếm hơn khi một đảng 90 tuổi đời mà vẫn duy trì sức sống như vậy. Một trong những lý do quan trọng là, tại sao Đảng duy trì sức sống như vậy sau 90 năm với bao thay đổi to lớn,  duy trì được vị thế theo dòng thời gian.

Pierre Cardin mở một cuộc triển lãm nghệ thuật hiện đại ở Paris vào đầu năm 2003, và nhiều nghệ sĩ Trung Quốc đã tham gia triển lãm. Pierre Cardin là một người bạn cũ của tôi, nên ông mời tôi tham dự lễ khai mạc và đọc bài phát biểu. Khi tới triển lãm, tôi thấy nhiều công trình nghệ thuật hiển bên trong và bên ngoài hội trường triển lãm. Thu hút sự chú ý đặc biệt là cả tá những con khủng long màu đỏ, được tạo ra với sự ngẫu hứng của các nghệ sĩ. Tôi đã chỉ ra trong bài phát biểu rằng, khủng long là loài chiếm ưu thế trong hệ sinh thái trên cạn của hành tinh này hơn 160 triệu năm. Ngày nay, khủng long đã hoàn toàn biến mất, và mọi người chỉ có thể nhìn thấy hóa thạch của chúng. Vậy tại sao khủng long bị tuyệt chủng? Các nhà khoa học có những ý kiến ​ và lý thuyết khác nhau. Tuy nhiên, tôi nghĩ rằng có một điểm mà tất cả mọi người sẽ đồng ý, đó là loài này không thể thích ứng với môi trường mới khi trái đất với những thay đổi lớn, quan trọng. Kết quả là chúng đã bị tuyệt chủng.

Bài học về sự tuyệt chủng của khủng long cho chúng ta biết một sự thật rằng, thích ứng với những thay đổi trên thế giới là cần thiết. Tại sao Trung Quốc có thể đạt được tiến bộ lớn như vậy? Nếu bạn đến thăm Trung Quốc và giao tiếp với mọi người từ tất cả các tầng lớp xã hội, bạn sẽ thấy rằng cụm từ ưa dùng của người dân là “chạu đua với thời gian” (advancing with the times). Khi thế giới đang thay đổi, người dân Trung Quốc không ở lại trong quá khứ. Họ chạy đua với thời gian. Do đó, Trung Quốc có thể tiếp tục tiến bộ. Bài diễn văn của tôi đã giành những tràng pháo tay nồng nhiệt và lời khen ngợi từ nhiều người Pháp, bởi vì họ nghĩ rằng những gì tôi nói là đúng.

“Trung Quốc có bạn bè trên khắp thế giới” , Mao Trạch Đông đã nói vậy. Tại sao Trung Quốc có bạn bè ở khắp mọi nơi? Lý do là, trong một thời gian rất dài của thế kỷ 20, các cuộc chiến tranh và cách mạng nổ ra khắp nơi, trong đó, chủ nghĩa đế quốc và chủ nghĩa thực dân đã đàn áp trên toàn thế giới, và người dân khắp nơi vùng lên chiến đấu. Các cuộc cách mạng Trung Quốc là một phần của làn sóng tuyệt vời đó. Trung Quốc hỗ trợ cách mạng ở các nước khác, và các nước khác lần lượt hỗ trợ lại cuộc cách mạng Trung Quốc. Và khi các quốc gia bị áp bức và những người đó chiếm phần lớn dân số thế giới, Trung Quốc ắt hẳn có bạn bè trên khắp thế giới.

Theo đuổi độc lập và giải phóng dân tộc được đánh giá là nguyên nhân chính. Thêm vào đó, ngoài việc là một dân tộc bị áp bức, những người yêu chuộng hoà bình và công lý trên thế giới luôn dành những hỗ trợ và tình cảm đặc biệt cũng là một nguyên nhân. Edgar Snow, tác giả cuốn sách “Red Star over China”, là một ví dụ điển hình.

Tuy nhiên, mọi thứ thay đổi theo thời gian. Thế giới đã chuyển từ thời chiến tranh và cách mạng sang thời kỳ của hòa bình và phát triển, đó là sự thay đổi lớn nhất trong quan hệ quốc tế. Với những thay đổi tình hình trong và ngoài nước, Đảng kiên quyết bắt đầu thay đổi chiến lược từ năm 1978, chuyển đổi trọng tâm chính sách sang xây dựng kinh tế và điều chỉnh chính sách ngoại giao.

Trung Quốc đã có bước tiến vượt bậc chưa từng có trong hợp tác kinh tế với các nước khác, bằng cách theo đuổi con đường phát triển hòa bình và chiến lược đôi bên cùng có lợi khi mở cửa. Từ năm 1978 đến năm 2010, kim ngạch thương mại nước ngoài của Trung Quốc tăng từ 20,6 tỉ đô la Mỹ đến 2,8 nghìn tỉ đô la Mỹ, với khoản đầu tư trực tiếp nước ngoài vào trong nước ngày càng tăng, từ con số không đến hơn 1 nghìn tỷ đô la Mỹ. Trung Quốc đã có những bước tiến nhanh chóng và đáng kể trong quan hệ với các nước phát triển, cũng như các nước đang phát triển ở châu Á, châu Phi và châu Mỹ La tinh trên cơ sở bình đẳng và cùng có lợi.

Một trong những lý quan trọng của sự tăng trưởng của Trung Quốc là, đem lại lợi ích cho cả Trung Quốc và phần còn lại của thế giới, và đó là câu trả lời tại sao Trung Quốc có bạn bè trên khắp thế giới.

Tác giả: Wu Jianming, thành viên của Viện hàn lâm khoa học Châu Âu và Viện hàn lâm khoa học  Á- Âu quốc tế, dịch bởi People’s Daily Online

Dịch từ: People’s Daily Online

Nguồn: People’s Daily Online

Đài Loan không thể tự gạt mình ra khỏi tranh chấp chủ quyền Biển Đông

Tự do thời báo đăng xã luận nhan đề: “Đài Loan không thể tự gạt mình ra khỏi tranh chấp chủ quyền Biển Đông”, nội dung chính là Đài Loan nên bày tỏ quan điểm lập trường rõ ràng trong các vấn đề ở Biển Đông, để nâng cao vị thế và tiếng nói của mình trong tranh chấp Biển Đông nói riêng và trong mắt cộng đồng quốc tế nói chung.

Tổng thống Mã Anh Cửu gần đây lại bị học giả nước ngoài phê phán. Lần này là chuyên gia nghiên cứu Đài Loan trường Đại học Monash của Australia Joel Atkinson viết bài và gửi đăng trên tờ Jakarta Post. Bài báo nói về vấn đề Biển Đông đã trở thành tiêu điểm của quốc tế gần đây, phê phán chính quyền Mã Anh Cửu gần như đứng ngoài cuộc, không dám đứng về bên nào. Tác giả cho rằng, Đài Loan liên tục làm chủ đảo Thái Bình và đảo Đông Sa, sự im lặng này được coi là củng cố cho chủ trương đòi hỏi chủ quyền của Trung Quốc tại Biển Đông.

Đối với những tranh chấp liên tiếp tại Biển Đông, Đài Loan là đương sự, không phải người ngoài cuộc. Bởi vì, đảo lớn nhất trong quần đảo Trường Sa là đảo Thái Bình thuộc sự quản hạt của Cao Hùng, phía Đài Loan có xây dựng sân bay trên đảo và còn xây dựng cả khu bảo tồn sinh sản rùa biển; trên đảo Đông Sa còn xây dựng công viên quốc gia quanh đảo, cách thành phố Cao Hùng 445 km. Trong tranh chấp quốc tế, nếu Đài Loan không lên tiếng, rất dễ bị Trung Quốc coi Đài Loan là một bộ phận của nó và cùng vì vậy mà đảo Thái Bình, đảo Đông Sa cũng nằm trong luận thuyết một phần chủ quyền Biển Đông của Trung Quốc.

Đứng trên góc độ lợi ích quốc gia của Đài Loan, Đài Loan không cần phải “chọn bên đứng”, chỉ cần Đài Loan bày tỏ rõ ràng quan điểm lập trường của mình là đủ. Thế nhưng mỗi khi lục đục tại Biển Đông lại nổi lên, chính quyền Mã Anh Cửu từ đầu đến cuối luôn im lặng, đây chính là việc tự gạt mình ra ngoài, không chỉ không có tầm cao và tầm nhìn chiến lược mà còn làm mất đi cơ hội đối thoại quốc tế tuyệt vời. Chính quyền Mã Anh Cửu nhát gan, nhu nhược, do sợ hãi Cộng hoà nhân dân Trung Hoa nên đã tự gạt bỏ từ suy ngĩ đến hành động của mình, lợi ích quốc gia từ đó cũng bị mất đi.

Nguồn: nghiên cứu biển đông

Trung Quốc tăng cường lực lượng hải quân giữa lúc tranh chấp

Lực lượng giám sát ngoài khơi của Trung Quốc sẽ được tăng cường nhằm đảm bảo các lợi ích hàng hải của nước này bảo vệ đầy đủ, trong bối cảnh tranh chấp ngày càng tăng với các nước láng giềng.

Đến năm 2020, sẽ có tổng cộng 15.000 nhân viên, so với 9.000 như hiện nay, phục vụ cho lực lượng hải giám Trung Quốc (CMS) thuộc Cơ quan quản lý Hải dương quốc gia (State Oceanic Administration), một quan chức cao cấp dấu tên của CMS nói với tờ China Daily.

Số máy bay của CMS sẽ được trang bị là 16 máy bay, đội tuần tra sẽ có 350 tàu trong Kế hoạch năm năm lần thứ 12 (2011-2015), quan chức này nói thêm rằng hạm đội sẽ có hơn 520 tàu vào năm 2020 .Hiện nay, có 9 máy bay, hơn 260 tàu và 280 phương tiện giám sát thực thi pháp luật đang hoạt động. CMS đã đưa ra kế hoạch xây dựng 36 tàu tuần tra và 54 tàu cao tốc vào năm ngoái, quan chức này nói.

Với kế hoạch mở rộng, đây là lực lượng tàu tuần tra dân sự lớn nhất của Trung Quốc đưa tới Biển Đông để bảo vệ  “quyền lợi và chủ quyền” quốc gia.

Hôm thứ Tư,  Haixun 31 thuộc Cơ quan Quản lý An toàn Hàng hải Trung Quốc,  Bộ Giao thông vận tải, đã khởi hành từ Chu Hải, tỉnh Quảng Đông, trong chuyến thăm hai tuần tới Singapore , Tân Hoa Xã cho biết.

Tàu được trang bị máy bay trực thăng 3.000 tấn sẽ theo dõi vận chuyển, thực hiện nhiệm vụ khảo sát, kiểm tra các giếng dầu và “bảo vệ an ninh hàng hải”, Tân Hoa Xã cho biết. Nó cũng sẽ kiểm tra tàu thuyền nước ngoài neo hoạt động trong vùng biển của Trung Quốc. Đã có một số lượng ngày càng cao của sự xâm nhập của tàu thuyền nước ngoài và máy bay vào không phận và hải phận của Trung Quốc trong những năm gần đây.

Trong năm 2010, CMS xác định có sự xâm nhập của 1.303 tàu và 214 máy bay nước ngoài, so với 110 trường hợp trong năm 2007, quan chức này nói. Các CMS được thành lập vào năm 1998 với nhiệm vụ tuần tra vùng lãnh hải, vùng đặc quyền kinh tế, giám sát và bảo vệ môi trường hàng hải. Nó có cơ sở tại Đại Liên, Thiên Tân, Thanh Đảo, Thượng Hải, Ninh Bố, Hạ Môn, Quảng Châu và Bắc Hải và một căn cứ hàng không đang được xây dựng tại Zhoushan, tỉnh Chiết Giang.

Trung Quốc đang đối mặt với những thách thức mới trong việc bảo vệ quyền hàng hải, Gao Zhiguo, Viện trưởng Viện ngoại giao biển thuộc cơ quan quản lý Hải dương Trung Quốc cho biết. Báo cáo phát triển Hải dương Trung Quốc năm 2011, được công bố bởi viện này trong tháng 5, có đề cập tới sự gia tăng xung đột tranh chấp trên biển giữa Trung Quốc với các quốc gia khác.

Báo cái này đề cập tới Việt Nam, Philippines, Malaysia và Brunei, là những nước có tranh chấp chủ quyền trên một số đảo của Trung Quốc trong Biển Đông.

Hải quân của Việt Nam tiến hành cuộc tập trận bắn thật vào thứ hai, sau khi cáo buộc tàu Trung Quốc gây ảnh hưởngtới hoạt động thăm dò dầu khí trong vùng lãnh hải Việt Nam.

Mặc dù căng thẳng gia tăng, Bộ Ngoại giao hôm thứ Năm đã nhắc lại rằng Bắc Kinh sẽ không sử dụng vũ lực để giải quyết tranh chấp. Trung Quốc  “cam kết duy trì hòa bình và ổn định ở Biển Đông”, phát ngôn viên Hỗng Lỗi cho biết tại một cuộc họp báo thường kỳ.

Luo Yongkun, nhà nghiên cứu của Viện Quan hệ quốc tế đương đại Trung Quốc (China Institutes of Contemporary International Relations), nói với China Daily rằng, cần phối hợp với nhau tốt hơn để giải quyết tranh chấp hàng hải giữa Trung Quốc và các nước láng giềng.

Một quan chức cấp cao từ Viện quản lý Hải Dương quốc gia cho biết, tháng trước đã nói với Uỷ ban quốc gia, Nội các, đang xem xét lại quy định về tuần tra ngoài khơi và thực thi pháp luật trong vùng đặc quyên kinh tế và thềm lục địa của Trung Quốc .

Dịch từ: People’s Daily Online

Nguồn: China Daily