VĂN LIỆU SÁCH GIÁO KHOA “VĂN HỌC” VÀ CÁCH HỌC MÔN VĂN

VĂN LIỆU SÁCH GIÁO KHOA “VĂN HỌC” VÀ CÁCH HỌC MÔN VĂN

(vỀ BỘ SÁCH “hỌC VĂN” CỦA NHÓM CÁNH BUỒM – bÀI 2)

Ngô Tự Lập
Khoa Quốc tế – ĐHQGHN

Trong bài viết nhan đề “Học văn để làm gì”, chúng tôi đã phân tích sai lầm của nhóm “Cánh Buồm” khi cho rằng mục tiêu của việc học văn là “tạo ra trong nhận thức các em một ngữ pháp nghệ thuật và tạo ra trong tâm lý các em cái phần hồn của việc học Văn là năng lực đồng cảm với thân phận người”. Thật ra, mặc dù ít nhiều có giúp tạo ra ở học sinh năng lực đồng cảm và nhận thức về “ngữ pháp nghệ thuật”, nhiệm vụ chính của việc dạy văn là đào tạo con người dân tộc. Sai lầm nói trên tất yếu sẽ dẫn đến những sai lầm trong cách lựa chọn văn liệu và phương pháp giảng dạy. Trong bài này tôi xin bàn kỹ về vấn đề đó.

Trước hết, cần phải thấy rằng “dân tộc” là một khái niệm văn hóa, một kiến tạo xã hội, chứ không phải là một khái niệm sinh học hoặc sinh lý học. Dân tộc là cộng đồng các cá nhân chia sẻ một khí quyển văn hóa chung bao gồm nhiều thành tố khác nhau: những ký ức, kinh nghiệm, niềm tin, thói quen, giá trị v.v…Những thành tố này hình thành và phát triển trong quá trình hình thành và phát triển của dân tộc và chứa đựng trong mọi hoạt động và sản phẩm của con người, nhưng chủ yếu là trong hoạt động giao tiếp ngôn ngữ và sản phẩm của nó – nói cách khác là ở văn chương, bao gồm cả truyền miệng lẫn thành văn, cả dân gian lẫn bác học. Khác biệt cơ bản giữa người Việt và người Pháp không phải ở chỗ họ ăn gì, mặc gì hay ở đâu, mà ở chỗ họ tư duy và có một hành trang tâm hồn bằng tiếng Việt hay tiếng Pháp. Môn văn giúp củng cố tính dân tộc của một người bằng những thành ngữ, điển tích đời sống, điển tích văn học, nhân vật, ẩn dụ, những hình thức biểu hiện – từ những cấu trúc nhỏ đến các thể loại văn chương – và cả những đoạn trích hay văn bản trọn vẹn. Đối với một người Việt, những cái tên hay khái niệm như “Nguyễn Trãi”, “Sở Khanh”, “lục bát”… không còn là những cái tên hay khái niệm, mà là những thành phần của tâm hồn, hệt như “Shakespeare”, “Hamlet”, “sonnet”… đối một người Anh. Chưa hết, môn văn còn giúp phổ cập hóa, hay nói đúng hơn là thống nhất, tính dân tộc bằng cách làm cho hành trang tinh thần của các thành viên trong một cộng đồng thêm gần gũi. Chính điều đó liên kết họ thành một dân tộc. Chính vì thế, trong bài trước chúng tôi đã viết: dạy văn ở đâu cũng trước hết là dạy văn học dân tộc.

Môn văn làm điều đó như thế nào? Khi học sinh học một tác phẩm văn chương, các em tiếp cận với nó từ hai phương diện, nội dung và hình thức (mặc dù sự phân biệt này không phải lúc nào cũng rạch ròi). Về mặt nội dung, các em học các kiến thức, kinh nghiệm, ký ức, giá trị đạo đức… – trong đó có sự đồng cảm với thân phận người mà nhóm “Cánh Buồm” chủ trương. Về mặt hình thức, các em học, đúng hơn là nhập tâm, những cách biểu đạt, những mẫu câu, cách lập ý, nhịp điệu, các thể thơ…

Như vậy, sách giáo khoa môn văn phải bao gồm chủ yếu là những tác phẩm tiêu biểu của nền văn học dân tộc. Nói cách khác, văn liệu chính sách giáo khoa văn chương phải là các điển phạm (canon), thể hiện được thành tựu và truyền thống của nền văn học dân tộc. Trong câu nói nổi tiếng của Phạm Quỳnh: “Truyện Kiều còn, tiếng ta còn. Tiếng ta còn, nước ta còn”, Truyện Kiều chính là biểu tượng của điển phạm. Hãy mở sách giáo khoa văn học của các nước khác: ở Pháp, nó chủ yếu bao gồm văn học Pháp, ở Nga – là văn học Nga, ở Mỹ – là văn học Mỹ. Tên những cuốn sách giáo khoa văn học đầu tiên của Việt Nam do Dương Quảng Hàm biên soạn nói lên nhiều điều: “Quốc văn trích diễm” (1925), “Văn học Việt Nam” (1939), “Việt văn giáo khoa thư” (1940), và “Việt Nam văn học sử yếu” (1941)[1]. Dĩ nhiên trong một cuốn sách giáo khoa, những điển phạm đó phải được lựa chọn và sắp xếp theo một trình tự phù hợp với tâm lý và trình độ hiểu biết của học sinh cả về chủ đề, ngôn ngữ, phong cách lẫn độ dài.

Sách giáo khoa văn học và môn văn hiển nhiên mang tính chính trị. (Gần đây có một số ý kiến cho rằng giáo dục phải phi chính trị. Đó là một ý kiến ngây thơ. Nền giáo dục hiện đại như chúng ta biết hiện nay là một hoạt động mang tính chính trị rất cao, bởi lẽ nó tác động sâu rộng và lâu dài đến đời sống tinh thần của xã hội. Dù ở những nước có truyền thống giáo dục chuẩn hóa và tập trung như Pháp, Nga hay ở những nước có truyền thống đa dạng và phi tập trung như ở Mỹ, giáo dục luôn luôn nằm ở mối quan tâm hàng đầu của nhà nước. Vấn đề chỉ là chính trị nào và cách thực hiện ra sao mà thôi).

Xin trở lại với bộ sách của nhóm “Cánh Buồm”. Thử lấy cuốn “Sách học Văn – Lớp Hai”, thống kê dưới đây cho ta thấy nhiều khía cạnh.

1. Trong tổng số 30 văn bản được giới thiệu (con số này chỉ gần đúng, vì một số bài là trích đoạn, trong khi một số bài khác lại gồm nhiều câu ca dao, tục ngữ ngắn) có tới 14 văn bản là tác phẩm nước ngoài (nhiều nhất là Pháp – 7 tác phẩm, sau đó là Nga – 3 tác phẩm; Đức, Đan Mạch, Ả-rập và Nhật Bản – mỗi nước 1 tác phẩm). Hai trích đoạn dài nhất (“Người nhạc sĩ mù” và “Bé Mũ Đỏ đi thăm bà”) đều là tác phẩm nước ngoài.

2. Trong tổng số 30 văn bản, có 6 văn bản do nhóm tác giả soạn lại, 8 văn bản khác không ghi tên người dịch hoặc người kể, có lẽ cũng do nhóm tác giả thực hiện. Trong mọi trường hợp, 14 văn bản này không phải là nguyên bản hoặc trích đoạn nguyên bản tác phẩm.

3. Trong số các văn bản là nguyên bản hoặc trích đoạn nguyên bản, 4 tác phẩm là của Trần Đăng Khoa, tác giả được giới thiệu nhiều nhất; có 3 văn bản là ca dao; các tác giả khác là Phong Thu, Phạm Hổ, Nguyễn Kiên và Thanh Tịnh, mỗi người được giới thiệu 1 tác phẩm.

Việc lựa chọn đề tài, thể loại và tác phẩm của nhóm tác giả, theo tôi, khá phù hợp với lứa tuổi lớp Hai. Tuy nhiên, tỷ lệ tác phẩm nước ngoài và những văn bản do nhóm tác giả soạn hoặc soạn lại quá cao, cùng với sự phân bố thiếu cân xứng về số lượng tác phẩm của các tác giả, theo tôi, là những thiếu sót của cuốn sách. Nếu những thiếu sót này lặp lại trong toàn bộ chương trình giáo dục phổ thông, các em sẽ ra trường với một hành trang văn học nghèo nàn, và cùng với nó là một hành trang tâm hồn nghèo tính dân tộc.

Quan niệm sai lầm về mục đích cũng dẫn đến sai lầm về phương pháp giảng dạy. Các tác giả viết: “Trong thực tiễn giáo dục diễn ra tuyến tính, công việc học sẽ như sau qua năm tháng: Ngay từ lớp Một: Huấn luyện thành tố hạt nhân của năng lực nghệ thuật: sự ĐỒNG CẢM. Ở ba lớp tiếp theo: Huấn luyện ba thành tố của Ngữ pháp Nghệ thuật là năng lực TƯỞNG TƯỢNG để tạo ra những hình tượng nghệ thuật; năng lực LIÊN TƯỞNG để tạo ra những ý nghĩa gửi trong các hình tượng; và năng lực BỐ CỤC (sắp xếp) để từ một ĐỀ TÀI có thể tạo ra những CHỦ ĐỀ một cách có ý thức. Ở các lớp tiếp theo: Vận dụng ngữ pháp nghệ thuật vào những loại hình nghệ thuật của con người như nghệ thuật dùng ngôn từ, nghệ thuật dùng ánh sáng và màu sắc, nghệ thuật dùng âm thanh, nghệ thuật dùng ngôn ngữ cơ thể, nghệ thuật sắp đặt-tạo dựng, và nghệ thuật dùng hình ảnh động”[2]

Để thực hiện các bước nói trên, nhóm Cánh Buồm chủ trương “Không dạy theo lối giảng giải, mà chỉ tổ chức việc tự học của các em”[3]. Ở lớp Hai, nhóm “đưa ra các việc làm để học sinh thực hiện thao tác tưởng tượng”. Mỗi việc làm đó bao gồm 3 việc làm nhỏ: Việc 1: Tiếp nhận một kích thích (một tình huống, một “hình ảnh lấy từ sự việc thật”, một truyện kể hay truyện đọc); Việc 2: Tưởng tượng bằng cách tạo ra hình tượng (kiểm soát sự tưởng tượng của học sinh dựa trên kích thích), và Việc 3: Thu hoạch (Viết một đoạn văn, đoạn đối thoại, diễn kịch, vẽ một hình ảnh đáng nhớ…)[4]

Điều chúng ta có thể nhận thấy ngay là sự giao tiếp trực tiếp của học sinh với văn bản – cho dù một tỷ lệ đáng kể trong đó chỉ là các văn bản tóm lược do nhóm tác giả thực hiện – bị coi nhẹ, trong khi đáng lẽ sự giao tiếp trực tiếp của học sinh với văn bản – đáng mong muốn là các văn bản tiêu biểu của nền văn học dân tộc – phải là hoạt động trung tâm của giờ học văn.

Ở đây cũng cần phải nói phê phán thái độ phủ nhận cực đoan đối với phương pháp học thuộc lòng. Học thuộc lòng khác với học vẹt. Nếu học vẹt là sự nhai lại không cần tư duy, còn học thuộc lòng là cách học nhập tâm cả nội dung và hình thức. Học thuộc lòng  không phải bao giờ cũng dở và trong một số trường hợp còn là phương pháp rất hiệu quả, đặc biệt đối với trẻ em, thường học theo lối “chụp ảnh”, “sao chép”. Các em yêu cha mẹ đâu cần phải lý giải nguyên do của tình yêu ấy. Nếu ông bố dạy con đi đứng luật giao thông mà chính mình lại vượt đèn đỏ thì đứa trẻ không chỉ “sao chép” hành động vượt đèn đỏ, mà cả hành động nói một đằng làm một nẻo của bố. Trong môn văn, việc học thuộc lòng những tác phẩm tiêu biểu của nền văn học dân tộc chính là sự làm giàu hành trang văn hóa và tâm hồn của các em. Các em nhập tâm những tác phẩm đó cả về nội dung và hình thức như các chúng ta hít thở mà không cần biết đến thành phần của không khí. Đến một lúc nào đó hành trang ấy đủ lớn, đủ máu thịt, các em sẽ có nhu cầu lý giải tâm hồn mình.

Cách dạy của nhóm Cánh Buồm, theo tôi, quá duy lý, và vì thế không phải là môn văn đúng nghĩa. Nếu đạt được mục đích đặt ra là dạy cho học sinh ngữ pháp nghệ thuật thì nó cũng chỉ cung cấp một thứ kiến thức. Đó chưa phải là tâm hồn. Việc dạy văn chỉ có thể coi là thành công nếu như các tác phẩm văn chương trở thành tâm hồn, nếu học sinh không chỉ biết, hiểu mà còn phải cảm những áng thơ văn của dân tộc.

N.T.L

[1] Cuốn “Việt Nam văn học sử yếu” được dùng làm sách giáo khoa ở miền Nam trong một thời gian khá dài.

[2] “Sách học Văn lớp Hai”, nhóm “Cánh Buồm”, NXB Tri Thức, Hà Nội, 2011, Tr.6.

[3] Đã dẫn. tr. 7.

[4] Đã dẫn. tr. 8-9

Nguồn: Viet-Studies

HỌC VĂN ĐỂ LÀM GÌ?

HỌC VĂN ĐỂ LÀM GÌ?
(vỀ BỘ SÁCH “hỌC VĂN” CỦA NHÓM CÁNH BUỒM – bài 1)

Ngô Tự Lập
(Khoa Quốc tế – ĐHQGHN)

Sự ra mắt của bộ sách giáo khoa do nhóm “Cánh buồm” khởi thảo xứng đáng được coi là một sự kiện trong ngành giáo dục Việt Nam năm 2011. Không chỉ là một công trình soạn thảo đơn thuần, bộ sách là kết quả những nỗ lực to lớn của một tập thể nhỏ bé vì sự đổi mới phương pháp giảng dạy và góp phần thay đổi triết lý giáo dục ở nước ta. Hơn thế nữa, đó là một chiến công đáng khâm phục của tinh thần dũng cảm học thuật, điều lâu nay hơi hiếm trong giới trí thức nước nhà. Đánh thức và khích lệ tinh thần phê phán học thuật – theo tôi đó là thành công lớn nhất của bộ sách. Bài viết này cũng được khích lệ một phần bởi tinh thần phê phán đó. Trong chừng mực nhất định, tôi cảm thấy mình ở vào vị trí của Voltaire khi ông nói về cuốn “Luận về nguyên do của sự bất bình đẳng” của Rousseau: “Tôi hoàn toàn không đồng ý với anh, nhưng tôi sẵn sang hy sinh tính mạng để bênh vực quyền tự do phát biểu của anh”. Xin được nói ngay rằng tôi có những ý kiến bất đồng cơ bản với nhóm tác giả, cả về mục đích học văn, cách lựa chọn và tổ chức văn liệu lẫn cách dạy.

Trước hết là mục đích của việc học văn. Ngay ở “Lời dặn bạn dùng sách”, các tác giả đã viết: “Trong bộ sách do nhóm Cánh Buồm khởi thảo có môn Giáo dục Nghệ thuật được dạy ngay từ lớp Một – mà vì những lý do tâm lý – xã hội, môn học này vẫn tạm gọi là môn Văn”[1].

Các tác giả viết tiếp: “Mục tiêu của việc học Văn ngay từ khi trẻ em bắt đầu đi học ở bậc phổ thông là tạo ra trong nhận thức các em một ngữ pháp nghệ thuật và tạo ra trong tâm lý các em cái phần hồn của việc học Văn là năng lực đồng cảm với thân phận người. Đó không phải là cái đồng cảm đạo đức học, xã hội học, mà kết quả là hành động từ thiện – bác ái. Năng lực đồng cảm này có tính tâm lý – nghệ thuật sẽ tạo ra một năng lượng tinh thần thúc đẩy những hành động tốt đẹp của con người”[2].

Với quan niệm như thế, nhóm tác giả chọn trò chơi đóng vai như là phương pháp chủ yếu để tạo ra “năng lực văn” mà “nhân lõi tinh thần là một lòng đồng cảm với thân phận con người”, “xương cốt vật chất là một ngữ pháp nghệ thuật” và “thịt da kiến thức là sự am tường các bộ môn nghệ thuật suy ra được từ cái MẪU dùng trong nhà trường phổ thông là thơ, văn xuôi và kịch”[3]. Như vậy, đối với nhóm tác giả, môn văn chỉ là một ví dụ tiện lợi để học ngữ pháp nghệ thuật, chứ tự thân nó hoàn toàn không quan trọng.

Liệu chúng ta có thể đồng ý với các tác giả hay không? Nếu học văn chỉ để nắm được cái ngữ pháp nghệ thuật, thì tại sao chúng ta lại không chọn một loại hình nghệ thuật khác? Trong buổi hội thảo tại Trung tâm văn hóa ngôn ngữ Đông Tây, ngày 14-01-2012, đại diện của nhóm tác giả giải thích rằng văn chương được chọn đơn thuần vì nó sử dụng loại chất liệu rẻ tiền và dễ sử dụng. Nhưng nếu vậy, tại sao ngay cả học sinh các trường chuyên về nghệ thuật, như trường nhạc, múa hay hội họa, học sinh vẫn buộc phải học môn văn? Tại sao ở bất kỳ nước nào trên thế giới môn văn cũng là một trong những môn quan trọng nhất. Lý do nào khiến môn văn được ưu ái như vậy?

Để giải đáp câu hỏi này, chúng ta cần phải xem lại lịch sử. Thật ra, vai trò của môn văn không phải lúc nào cũng quan trọng như chúng ta thấy ngày nay, hay là gần đây. Trong các trường học ở phương Tây thời Trung cổ người ta không dạy văn học. Toàn bộ kiến thức được chia thành bảy bộ môn, thuộc hai tiểu loại, gọi là Tam khoa (Ngữ pháp, Tu từ học, Lô gích học) và Tứ khoa (Số học, Hình học, Thiên văn học và Âm nhạc). Sự phân chia bộ môn này thường được gắn với tên tuổi của Aristotle nhưng thật ra có nguồn gốc từ Ai Cập.

Ở châu Á tình hình cũng không khác mấy. Các nhà Nho ở Việt Nam không học văn học mà học Tứ thư, Ngũ kinh. Cần lưu ý rằng trong Ngũ kinh có Kinh Thi, nhưng ngay cả đối với người Trung Quốc thì đó cũng là một cuốn sách kinh điến chứ không phải là môn văn. Bản thân cái gọi là văn học theo nghĩa hiện đại cũng là một khái niệm tương đối mới. Ở Đông Á, như chúng ta đều biết, trong truyền thống hàng ngàn năm, văn, sử, triết vốn “bất phân”. Ở phương Tây cũng tương tự. Terry Eagleton viết trong cuốn Nhập môn Lý luận văn học nổi tiếng của ông: “Ở nước Anh thế kỷ mười tám, khái niệm văn học không hạn chế trong những gì “sáng tạo” hay “hư cấu” như đôi khi được được quan niệm ngày nay. Nó chỉ toàn bộ những văn bản được xã hội đánh giá cao: triết học, lịch sử, tiểu luận và thư từ cũng như thơ ca. Cái làm cho một văn bản trở thành ‘văn học’ không phải là tính hư cấu – thế kỷ mười tám rất ngờ vực liệu thể loại tiểu thuyết đang nổi lên có phải là văn học hay không – mà là nó có phù hợp với một số chuẩn mực của ‘nhã văn’ hay không”[4] Và ông khẳng định rằng từ ‘văn học’ chỉ thực sự có nghĩa hiện đại như ngày nay vào thế kỷ mười chín: “Văn học theo nghĩa này là một hiện tượng lịch sử gần đây: nó được sáng tạo ra vào khoảng bản lề của thế kỷ mười tám, và có lẽ sẽ làm Chaucer hay thậm chí là Pope cực kỳ ngạc nhiên”[5]

Vai trò của văn chương nổi lên cùng với sự hình thành của nhà nước dân tộc và “văn hóa dân tộc”. Cách hiểu về văn hóa của chúng ta ngày nay chịu nhiều ảnh hưởng bởi quan niệm của Humboldt và các nhà tư tưởng đương thời như Schiller, Schleiermacher, Fichte. Đó là sự kết hợp hai mặt: những kiến thức khác nhau được nghiên cứu và sự phát triển nhân cách thông qua quá trình nghiên cứu đó. Các kiến thức được nghiên cứu dựa trên lý trí và được lý trí liên kết thành một hệ thống thống nhất, kết tinh trong truyền thống. Sự phát triển của nhân cách chính là sự trưởng thành của cá nhân thông qua việc hấp thụ những gì thuộc lý trí trong truyền thống đó. Ta gọi cá nhân đó là con người có văn hóa.

Văn hoá gắn liền với truyền thống, nhưng đồng thời cũng có vai trò dẫn dắt con người tới tương lai. Văn hoá liên kết quá khứ, hiện tại và tương lai của một cộng đồng. Văn hoá chính là nền tảng tạo nên bản sắc dân tộc. Humboldt tin rằng nếu được giáo dục, con người sẽ trở thành những chủ thể tự do, có khả năng suy nghĩ độc lập để hành động vì lợi ích dân tộc – điều cực kỳ quan trọng đối với các nhà nước-dân tộc đang hình thành và lớn mạnh ở châu Âu.

Nền giáo dục đại chúng hiện đại ra đời trong bối cảnh đó và vì mục đích đó. Chính vì giáo dục bây giờ không chỉ có nhiệm vụ đào tạo nghề, mà còn có nhiệm vụ đào tạo ra chủ thể văn hoá của dân tộc, nên vai trò của văn học nổi lên. Lý do dễ nhận thấy là các môn học khác, chẳng hạn toán học và triết học, có xu hướng hướng tới tính phổ quát, trong khi văn học gắn liền với ngôn ngữ và ký ức của một cộng đồng cụ thể. Một lý do khác là văn học có thể được chia sẻ bởi đa số thành viên của cộng đồng. Đây chính là điểm các tác giả của nhóm Cánh Buồm đã nói: trong các loại hình nghệ thuật, văn học sử dụng ngôn ngữ là thứ vật liệu phổ cập nhất, dễ phổ biến nhất. Hơn thế nữa, văn học, hơn bất kỳ thể loại nghệ thuật nào, chứa đựng mọi cấp độ ký ức của cộng đồng.

Song song với sự gia tăng vai trò của môn văn là sự và củng cố khái niệm “Nền văn học dân tộc”. Hãy nhớ lại, trong hàng ngàn năm, ở châu Âu văn chương đích thực phải viết bằng tiếng Latinh. Văn chương viết bằng tiếng bản địa (vernacular literature) khi đó bị coi là “nôm na”, dân dã, không có giá trị, mặc dù nó vẫn không ngừng phát triển dưới thời Trung Cổ. Thi hào Dante có lẽ là tác giả đầu tiên ở Italia (và có lẽ cả châu Âu) không chỉ sáng tác mà còn ra sức truyền bá những văn học viết bằng tiếng bản địa. Tương tự như vậy, ở vùng Á Đông, cho đến thời cận đại, văn học đích thực phải viết bằng chữ Hán. (Trong lịch sử văn học Việt Nam, Nguyễn Trãi đóng vai trò tương tự như vai trò của Dante trong văn học Italia- Ông là tác giả của những kiệt tác văn chương đầu tiên bằng tiếng Việt). Sự ra đời và lớn mạnh của nhà nước dân tộc dẫn đến sự tôn vinh văn học dân tộc: mỗi dân tộc sớm hay muộn đều chọn lựa, tạo dựng những đại văn hào, những kiệt tác văn chương của mình.

Như thế, dạy văn ở đâu cũng trước hết là dạy văn học dân tộc. Tuy nhiên, sự giảng dạy văn học cũng phụ thuộc vào đặc điểm lịch sử của từng nước. Ở các nước châu Âu, vốn có một lịch sử lâu dài và đã từng trải qua (hay vẫn còn duy trì) các triều đại quân chủ, chương trình giảng dạy được xây dựng trên cơ sở truyền thống văn học dân tộc. Ở Hoa Kỳ, do lịch sử ngắn và một phần cũng do tinh thần cộng hòa, nội dung chương trình hướng nhiều hơn vào việc giới thiệu thành tựu, thông qua các điển phạm (canon), tức là các văn bản văn chương được coi là tiêu biểu của dân tộc.

Cho dù cách thức và nội dung giảng dạy văn học dân tộc có khác nhau ở các nước khác nhau, môn văn không bao giờ chỉ đơn thuần có nhiệm vụ tạo ra năng lực đồng cảm hay giúp người học nhận thức ngữ pháp nghệ thuật. Nhiệm vụ chính của việc dạy văn là đào tạo con người dân tộc, thông qua đó bồi đắp bản sắc văn hoá. Người Pháp học văn học Pháp để trở thành người Pháp. Người Việt học văn học Việt để trở thành nguời Việt.

Tóm lại, theo tôi, mặc dù thú vị, bộ sách “Học văn” của nhóm Cánh buồm đã sai lầm từ điểm xuất phát, trong việc xác định mục đích của môn học. Sai lầm gốc rễ nói trên tất yếu sẽ dẫn đến những sai lầm khác của nhóm trong cách lựa chọn văn liệu và cách giảng dạy, những điều chúng tôi sẽ bàn trong một bài khác.

N.T.L

[1] “Sách học Văn – Lớp Hai”, Nhóm cánh buồm, NXB Tri Thức, H. 2011. Tr.5.

[2] Đã dẫn

[3] Đã dẫn

[4] Nguyên văn: “In eighteen-century England, the concept of literature was not confined as it sometimes is today to ‘creative’ or ‘imaginative’ writing. It meant the whole body of valued writing in society: philosophy, history, essays and letters as well as poems. What made a text ‘literary’ was not whether it was fictional – the eighteenth century was in grave doubt about whether the new upstart form of the novel was literature at all – but whether it conformed to certain standards of ‘polite letters'”. Eagleton, Terry, Literary Theory – An Introduction, Minneapolis: U. of Minnesota P. 1983. p. 17.

[5] Nguyên văn: “Literature in this sense of the word is an historically recent phenomenon: it was invented sometime around the turn of the eighteenth century, and would have been thought extremely strange by Chaucer or even Pope”. Đã dẫn, tr. 18.

Nguồn; Viet-studies

VÌ SAO PHẢI HỌC TIẾNG VIỆT?

VÌ SAO PHẢI HỌC TIẾNG VIỆT?
(Bài CUỐI TRONG LOẠT 3 BÀI vỀ BỘ SÁCH CỦA NHÓM CÁNH BUỒM)

Ngô Tự Lập
Khoa Quốc tế – ĐHQGHN

Trong 2 bài trước (“Học văn để làm gì?” và: “Văn liệu sách giáo khoa ‘Văn học’ và cách học môn văn”), tôi đã viết rằng sự ra mắt của bộ sách giáo khoa do nhóm “Cánh buồm” khởi thảo, trong đó có cuốn “Sách học tiếng Việt”, xứng đáng được coi là một sự kiện trong ngành giáo dục Việt Nam năm 2011. Công trình là kết quả đáng khâm phục của một tập thể nhỏ bé nhưng dũng cảm và tâm huyết với sự nghiệp giáo dục của đất nước. Tuy nhiên, cũng giống như bộ “Sách học Văn”, bộ “Sách học Tiếng Việt” của nhóm Cánh Buồm tôi đã khiến tôi từ háo hức hy vọng chuyển sang thất vọng. Cũng giống như với bộ “Sách học Văn”, theo tôi, các tác giả đã nhầm lẫn ngay từ đầu – nhầm lẫn về mục đích của môn học.

Nhóm Cánh Buồm đồng nhất môn Tiếng Việt với môn Ngôn ngữ học. Nói đúng hơn, họ dùng Tiếng Việt làm ví dụ để dạy môn Ngôn ngữ học. Họ giải thích: “Trong bộ sách do nhóm Cánh Buồm khởi thảo có môn Ngôn ngữ học được dạy từ lớp Một song vì những lý do tâm lý – xã hội, môn học này vẫn tạm gọi tên là môn Tiếng Việt”[1] Theo họ, “Mục đích của môn Tiếng Việt là: Tạo ra trong nhận thức học sinh một ứng xử ngôn ngữ học đối với công cụ ngôn ngữ của con người; Tạo ra trong hành trang ngôn ngữ của các em một năng lực sử dụng đúng và thành thạo tiếng Việt; Tạo ra trong tác phong các em một thói quen nghiên cứu khoa học đối với ngôn ngữ tiếng Việt”[2].

Với quan niệm như thế, ngay ở lớp Một, các tác giả đã “tổ chức cho trẻ em học Ngữ âm tiếng Việt” để giúp học sinh không chỉ đọc, viết thành thạo tiếng Việt mà “hơn thế nữa, còn phải biết vì sao mình đọc và viết đúng cũng như vì sao mình sai hoặc chưa đúng để tự mình sửa lại”. Các tác giả chủ trương rằng “ở lớp Một, học sinh tập trung vào mặt ngữ âm của tiếng, không sa đà vào mặt nghĩa của từ”. Lên lớp Hai, các em có “nhiệm vụ học tập mới: am tường và sử dụng thành thạo từ ngữ tiếng Việt”[3]. Nội dung giảng dạy ở lớp Hai, chẳng hạn, được chia thành năm bài (trừ bài mở đầu để ôn tập kiến thức đã học ở lớp Một), đó là “Tín hiệu ngôn ngữ”, “Từ thuần Việt”, “Từ phái sinh”, “Từ Hán-Việt” và “Từ mượn phương Tây”.

Những chủ đề nói trên đều thú vị và có ích, nhưng các bài học đều tập trung dạy kiến thức về ngôn ngữ nói chung và tiếng Việt nói riêng chứ không phải là dạy tiếng Việt. Đó chính là sai lầm của các tác giả đã nói ở trên – tôi xin nhắc lại: nhầm lẫn môn Tiếng Việt với môn Ngôn ngữ học.

Thật ra ngôn ngữ học là một ngành khoa học mà chỉ những ai quyết định trở thành người nghiên cứu chuyên sâu mới cần phải học. Dĩ nhiên môn Tiếng Việt có thể gọi là Việt ngữ học. Nhưng trừ phi chúng ta chỉ giới thiệu khái quát như một cách “nhập môn”, đối với học sinh bậc tiểu học, đó cũng đã là một chuyên ngành quá chuyên sâu. Môn “Tiếng Việt”, theo tôi, là một môn học khác, phục vụ cho những mục đích khác.

Tại sao phải học môn Tiếng Việt?

Để làm rõ điều này chúng ta cần phải chú ý rằng trừ phi đối với những ai đi sâu vào chuyên ngành này, ngôn ngữ học chỉ cần thiết cho việc học ngoại ngữ. Nếu để ý, chúng ta sẽ thấy rằng người bản ngữ, kể cả những người mù chữ, rất hiếm khi nói sai tiếng mẹ đẻ. Thậm chí có thể nói rằng, chỉ có những người có học, do sức ép của những kiến thức sách vở, mới nói sai tiếng mẹ đẻ. Lấy một ví dụ, người Việt ở đồng bằng Bắc Bộ khi nói không bao giờ phân biệt “gi” trong “Gia Lâm” với “r” trong “cái rổ” và “d” trong “da dẻ”. Thế nhưng một số giáo viên đã bắt học sinh phải phát âm “Gia Lâm” như “Dja Lâm”, phải rung lưỡi khi nói “cái rổ”. Tương tự như vậy, việc người Việt một số địa phương không phân biệt “l” với “n” cũng không phải là nói sai, hay nói ngọng. Họ chỉ nói sai so với thứ tiếng Việt của một vùng khác, chẳng hạn tiếng Việt ở Hà Nội, mà vì những lý do – chính trị, kinh tế, xã hội và văn hóa – khác nhau được coi là tiếng Việt “chuẩn” mà thôi. (Xin lưu ý rằng người Hàn Quốc cũng thường không phân biệt “r” với “l”).

Ngôn ngữ học phương Tây – cũng có nghĩa là ngôn ngữ học nói chung – ra đời vì nhu cầu nghiên cứu, học và dạy ngoại ngữ. Nói đúng hơn, ngôn ngữ học ra đời vì nhu cầu nghiên cứu, học và dạy ngoại ngữ đã được cố định trong các văn bản thiêng liêng. Voloshinov, trong cuốn sách kinh điển “Chủ nghĩa Marx và triết học ngôn ngữ”, đã viết rất hay về vấn đề này: “Sinh ra trong quá trình nghiên cứu nhằm làm chủ thứ ngoại ngữ đã chết, tư duy ngôn ngữ học còn phục vụ một mục đích khác, không phải là nghiên cứu mà là giảng dạy: không phải là giải mã ngôn ngữ, mà là dạy thứ ngôn ngữ đã được giải mã. Di tích trong các văn bản sau khi giải mã được chuyển đổi thành tài liệu giáo khoa, những hình mẫu cổ điển của ngôn ngữ. Nhiệm vụ cơ bản thứ hai này của ngôn ngữ học – nhiệm vụ tạo ra một bộ máy, cần thiết để dạy thứ ngôn ngữ đã được giải mã, có thể nói như vậy, mã hóa nó hướng theo các mục tiêu của việc giảng dạy – để lại dấu ấn sâu sắc của nó lên tư duy ngôn ngữ học. Ngữ âm, ngữ pháp, từ vựng – đó là ba bộ phận của hệ thống ngôn ngữ, ba trung tâm có tổ chức của các phạm trù ngôn ngữ học – đã hình thành trong dòng kênh của hai nhiệm vụ của ngôn ngữ học – heuristic (khám phá, luận giải) và sư phạm”[4].

Nhưng tại sao phải học môn Tiếng Việt?

Lý do là ngoài tiếng Việt chúng ta dùng hàng ngày, tức tiếng mẹ đẻ, còn có những thứ tiếng Việt khác mà đối với chúng ta về bản chất là ngoại ngữ. Môn “Tiếng Việt” dạy những thứ tiếng Việt khác đó.

Trước hết, đó là học tiếng Việt chuẩn hóa. Mặc dù tiếng nói ở mọi vùng đều đúng, nhưng vì các lý do văn hóa – xã hội khác nhau, ở mỗi quốc gia người ta thường chọn (đôi khi thông qua một chính sách ngôn ngữ chính thức) một phương ngữ cụ thể như là thứ tiếng “chuẩn”. Thứ tiếng “chuẩn” ấy thường là phương ngữ của thủ đô – do vai trò quan trọng của nó – tuy rằng điều đó không phải bao giờ cũng đúng. Một ví dụ là tiếng Anh. Trước kia, tiếng Anh “chuẩn” là tiếng Anh London. Về sau, tiếng Anh ở New York cũng được coi là tiếng Anh “chuẩn”. Hiện nay, người ta cho rằng tiếng Anh Australia hay tiếng Anh Singapore… cũng “chuẩn”. Vì lý do đó, “English” ngày xưa là danh từ không đếm được, bây giờ trở thành danh từ đếm đươc: có nhiều thứ tiếng Anh (Englishes) khác nhau.

Tương tự như vậy, thứ tiếng Việt mà học sinh nói ở nhà là thứ phương ngữ nơi các em sống. Đó là tiếng mẹ đẻ đích thực. Nhưng khi đến trường, các em phải học tiếng Việt “chuẩn hóa” – thật ra là một phương ngữ khác, không giống thứ tiếng Việt mẹ đẻ của các em. Việc nắm được ngôn ngữ chuẩn hóa giúp các em thuận lợi trong giao tiếp xã hội, học tập, nghiên cứu. Riêng đối với các em học sinh thuộc các dân tộc ít người, môn “Tiếng Việt” thực sự là một môn ngoại ngữ.

Thứ hai, đó là học tiếng Việt viết. Tiếng Việt viết có những quy tắc riêng của nó. Nói rộng ra, ngôn ngữ viết có những quy tắc riêng so với ngôn ngữ nói. Vật liệu chuyên chở ngôn ngữ viết không phải là âm, mà là chữ, mặc dù những hệ thống chữ viết biểu âm (như chữ Pháp, chữ Nga, hay chữ Quốc ngữ của chúng ta) xuất phát từ việc ghi âm.Xin lấy lại ví dụ ở trên. Mặc dù người Việt ở đồng bằng Bắc Bộ khi nói không bao giờ phân biệt “gi” trong “Gia Lâm” với “r” trong “cái rổ” và “d” trong “da dẻ”, nhưng khi viết họ phải phân biệt, theo quy tắc “chính tả”. Với các hệ thống chữ viết biểu ý (như chữ Hán) sự khác biệt của ngôn ngữ viết so với ngôn ngữ nói càng rõ hơn. Về mặt cú pháp, do được thể hiện bằng chữ, một phương tiện ổn định hơn nhiều so với âm thanh, có thể được tiếp nhận “thầm” và tiếp nhận nhiều lần bằng mắt, ngôn ngữ viết cũng có xu hướng phức tạp hơn. Tính phức tạp của các văn bản viết còn được hỗ trợ bởi các dấu câu rất khó hoặc không thể biểu đạt trong ngôn ngữ nói.

Thứ ba, đó là học tiếng Việt chuyên ngành. Ngôn ngữ trong mỗi lĩnh vực đều có đặc điểm riêng, với các thuật ngữ riêng và lối biểu đạt ít nhiều chuyên biệt. Chẳng cần phải là nhà ngôn ngữ học chúng ta cũng có thể thấy rằng nghe hay đọc một văn bản chuyên ngành không phải lúc nào cũng là một việc dễ dàng. Việc giảng dạy ngôn ngữ chuyên ngành, cũng tương tự như việc dạy ngôn ngữ chuẩn hóa, về bản chất là dạy một ngoại ngữ, có mục đích giúp các em nắm được công cụ ngôn ngữ để học tập và làm việc trong một lĩnh vực nhất định. Nói bằng các thuật ngữ chuyên môn, đó là dạy “Tiếng Việt học thuật” và “Tiếng Việt chuyên ngành”. Những điều này nghe có vẻ lạ tai và đầy chất tư biện, nhưng là một yêu cầu thực tế: việc dạy tiếng Việt chuyên ngành chẳng khác gì việc dạy tiếng Anh chuyên ngành, tiếng Anh cho các mục đích đặc thù (English for Special Purposes) không hề xa lạ trong nhà trường.

Tóm lại, môn Tiếng Việt không thể đồng nhất với môn ngôn ngữ học. Nhiệm vụ quan trọng nhất của nó không phải là giúp học sinh có kiến thức về ngôn ngữ nói chung. Nhiệm vụ của nó cũng không đơn thuần là giúp các em có kiến thức về tiếng Việt. Nhiệm vụ quan trọng nhất của môn Tiếng Việt là giúp các em nắm vững công cụ ngôn ngữ được chuẩn hóa của ngôn ngữ dân tộc cùng các biến thể chuyên ngành của nó, một điều vô cùng quan trọng để học tập, nghiên cứu, làm việc và giao tiếp xã hội. Ngoài ra, giảng dạy tiếng Việt chuẩn hóa còn giúp củng cố cộng đồng ngôn ngữ của dân tộc. Cùng với môn “Học văn”, môn “Tiếng Việt” góp phần quan trọng vào việc đào tạo con người dân tộc.

N.T.L

[1]“Sách học Tiếng Việt – Lớp Hai”, Nhóm Cánh Buồm, NXB Tri Thức, H. 2011. Tr.5.

[2] Đã dẫn, tr.5. (NTL nhấn mạnh).

[3] Đã dẫn, tr.5 (tất cả các từ nhấn mạnh là của nhóm Cánh Buồm)

[4] ВОЛОШИНОВ В.Н. “Марксизм и философия языка”, Ленинград : Прибой, 1930, tr.75

Nguồn: Viet-studies

Ngộ nghĩnh ngôn từ

Cầm quyền và cầm tri thức (Nguyễn Hoàng Văn)

Đã có “nhà cầm quyền” rồi thì có lẽ chúng ta cũng nên tạo thêm cách gọi tương đương thay cho “trí thức”, danh từ vẫn thường gây tranh cãi. Nhà “cầm quyền” là kẻ nắm giữ quyền lực còn họ thì, như những cái túi tri thức, là giới “cầm tri thức”.

Đây không đơn thuần là trò chơi chữ. Lẩn quẩn mãi với những bắt bẻ lắt nhắt theo tự vị Tây – Tàu trong cuộc tranh luận bất tận quanh đề tài “trí thức” thì chúng ta nên nghĩ đến một cách tiếp cận khác hơn để may ra loại bỏ xác suất gây nhiễu xạ, lạc đề. Thay vì bơm vào cái “túi” ấy những ưu tư rồi nhét vào đó những nghĩa vụ cao cả theo đòi hỏi khắt khe của danh từ “trí thức” đỏng đảnh, thì tại sao chúng ta không thể, ngay từ đầu, giản dị hoá vấn đề bằng cách xem đó như là kẻ “cầm tri thức”? Nếu “nhà cầm quyền” là một khái niệm trung tính, thì lớp người này cũng nên là như thế. Khoan nói đến những tiêu chí khó khăn như sự “lương thiện / dũng cảm / trách nhiệm ” của “người trí thức” v.v…, họ cần phải bình thường trước đã, không xấu không tốt trước đã, chuyện phong thần hãy để hạ hồi.

Để đi đến chỗ hạ hồi thì phải trải qua những va chạm cọ xát, và cách tiếp cận này không chỉ là một biện pháp tu từ mà còn là một ý hướng phương pháp luận. Với một điểm xuất phát bình đẳng như thế, với hai quân bài “tri thức” và “quyền lực” như thế, chúng ta có thể xem va chạm ấy như là một canh bạc. Và với những canh bạc như thế, chúng ta có thể nhận ra tư cách của từng tay chơi qua từng cách cọ xát một khi họ đã theo đuổi ván bài.

Nhưng đó không hẳn là hai quân bạc rạch ròi. Giữa hai thứ đã có sự lẫn lộn mà ngay trong một thứ thôi cũng có thể có sự nhập nhằng. “Tri thức” có khi cũng bị sử dụng như một thứ “quyền lực” mà “quyền lực” cũng có khi nhập nhằng đóng vai “tri thức”. Hãy tưởng tượng khung cảnh của xã hội tiền sử khi những vị pháp sư đầu tiên, bằng trí tưởng tượng của mình, giải thích những hiện tượng thiên nhiên như sấm sét, giông bão. Khi những thành viên cộng đồng răm rắp tuân phục mạng lệnh của họ để tìm kiếm sự yên thân giữa một thiên nhiên đầy đe doạ thì những “tri thức” ấy đã là hiện thân của quyền lực. Hãy nhớ lại giọng điệu của ông Nguyễn Tấn Dũng trong cuộc họp báo đầu năm 2009 khi viện dẫn quyền lực toàn trị để ấn định một “tri thức” mới về khai khoáng học và môi trường học. Giới cầm tri thức lên tiếng về những thiệt hại môi sinh của dự án bauxite Tây Nguyên ư? Ông tể tướng Việt Nam đầu thế kỷ 21 khẳng định rằng “khoa học kỹ thuật” có thể chế ngự các tác hại ấy, thứ “khoa học” được minh định với nào là “chủ trương lớn của Đảng và Nhà nước”, nào là “nghị quyết đại hội ”, nào là “Đảng và Bộ Chính trị đã ba lần nghe, kết luận”.[1]

Từ ông thầy mo thời cổ đại đến ông tể tướng thời hậu hiện đại là cả một chặng đường dài, thế nhưng cả hai lại nhất quán với nhau ở trò chơi nguỵ tín.[2] “Tri thức” của cả hai đều là tri thức dỏm. Cả hai đều ngay ngáy che đậy hay hùng hổ đe nẹt để cộng đồng chấp nhận món hàng giả của mình như là hàng thật và chuyện có khác chăng cũng chỉ khác ở mức độ kỹ thuật. Khi những kẻ tinh ranh nhất ngồi lại với nhau, cùng toa rập với nhau rằng cái gì đó là đúng thì, giữa một đám đông mông muội, cái điều toa rập kia sẽ trở thành… “tri thức”. Khi cái thời mông muội không còn nữa thì trò toa rập ấy sẽ phát triển thành một hệ thống vĩ mô với những lớp lang giáo huấn và kỷ luật dày đặc nhằm uốn nắn “tri thức” theo những mục tiêu quyền lực duy ý chí. Như thế thì không chỉ là ông thầy mo và ông tể tướng mà là suốt cả cái chặng đường ở giữa, bởi sự tồn tại của hệ thống chính trị hay thần quyền nào cũng ít nhiều dựa trên một hệ tri thức riêng, đóng khung trong những nguỵ tín riêng, áp đặt như là chân lý. Mặt trời quay chung quanh trái đất. Tông tộc vĩ nghiệp Aryan là thượng đẳng. Chủ nghĩa đế quốc là đêm trước của cách mạng vô sản. Đồng chí Stalin và đồng chí Mao Trạch Đông không bao giờ sai hay, thậm chí, trong cái giai đoạn mệnh danh “một thời ấu trĩ”, “trăng Trung Quốc phải tròn hơn trăng nước Mỹ”.[3]

Vượt qua những nguỵ tín như thế có nghĩa là gây hấn với hệ thống. Và như thế thì, dù là kẻ cầm tri thức hay kẻ cầm quyền, sự gây hấn này đều nói lên “nhân cách trí thức” của họ.

Nhưng nhân cách ấy, nhìn trong canh bạc, lại là phong cách lật bài. Mà để hiểu cách lật này thì phải xác định uy lực của từng thứ quân bài. Như là hai kiểu lá bài, có khác nhau đến mấy đi nữa thì “tri thức” hay “quyền lực” cũng đều ngụ ý một hình thức thẩm quyền. Thẩm quyền của nhà cai trị là thứ quyền lực duy ý chí dựa trên khả năng kiểm soát cái chìa khoá kho súng và chìa khoá tài nguyên. Thẩm quyền của tri thức là tính không thể thay thế và không thể bóp méo của những sự thật hay quy luật khách quan. Bằng quyền lực bao trùm của mình, nhà cầm quyền “ra giá” cho sự tuân phục của giới cầm tri thức. Bằng thẩm quyền “không thể thay thế” của mình, giới cầm tri thức “làm giá” với kẻ cầm quyền. Làm giá và ra giá, hai bên có thể cò kè mặc cả với nhau, thông đồng thoả hiệp với nhau, hay xả láng sát phạt nhau, một xanh cỏ hai đỏ ngực. Khi canh bạc có thể yên ả hay thăng trầm nóng lạnh với sự thông đồng hay chạy đua giữa hai thứ thẩm quyền như thế thì cũng có nghĩa là nó đã ít nhiều thể hiện những nguyên tắc của lý thuyết về sự cạnh tranh mà John Forbes Nash đã diễn tả như là một trò chơi.[4]

Trong Game Theory, thiên tài toán học từng đoạt giải Nobel Kinh Tế này cho rằng cuộc chơi nào cũng vậy, tay chơi nào cũng tìm ra một cách chơi để thắng và khi tất cả cùng chơi với một ý đồ thì họ sẽ ngẫu nhiên tạo nên một thế cân bằng: vạn nhất, nếu một tay chơi thay đổi cách chơi để phá vỡ cân bằng đã đạt thì hắn ta không chỉ gây tổn hại cho người khác mà còn tự rước thiệt hại về mình. Sự cân bằng gọi là Nash Equilibrium này, hình dung đơn giản theo một thí dụ trong giáo trình Microecomics dành cho sinh viên kinh tế năm thứ nhất, là câu chuyện “cạnh tranh” giữa hai ông chủ cây xăng đối diện nhau. Chia đều một số khách như nhau, với giá bán ngang nhau, cả hai cùng chia đều một số lợi tức như nhau. Nếu một bên hạ giá để giật khách thì bên kia cũng sẽ có hành động tương tự để giữ lấy khách và cái trò phá bĩnh này sẽ leo thang mãi cho đến khi giá cả bị hạ tới mức không thể hạ thêm. Đã cùng đường cạnh tranh mà lượng khách chỉ chia đều có thế trong khi hai phía đều è cổ bỏ công làm lời thì rõ ràng là hai bên đã cùng bị thiệt hại như nhau, bởi vì một bên dại dột phá vỡ cân bằng.

Kinh tế học là khoa học xây dựng trên tiền đề về lòng tham của con người. Kinh tế học cho rằng hành vi nào của chúng ta cũng bị chi phối bởi cái phương châm tối đa hoá lợi nhuận và tối thiểu hoá thiệt hại. Chăm chăm với lợi nhuận ngụ ý lòng tham. Ngay ngáy với thiệt hại ngụ ý nỗi sợ. Tham lam quyền lực luôn ngụ ý sự sợ hãi cho một viễn tượng mất hết quyền lực nên, càng tham càng sợ, nhà cầm quyền càng nghiệt ngã và bần tiện trong việc vận dụng cái chìa khoá kho súng và chìa khoá kho tài nguyên. Sợ và tham trước những thứ đe doạ và cám dỗ ấy, kẻ cầm tri thức có thể nhượng bộ để bóp méo hay thay thế những thứ không thể làm thế theo đòi hỏi duy ý chí của nhà cai trị. Cân bằng Nash có đạt được trong cuộc cạnh tranh giữa hai thứ thẩm quyền, cũng đạt từ thúc đầy của hai thứ tham – sợ này.

Nhưng đời sống không đơn thuần là một mô hình kinh tế học và cuộc đời của mỗi con người không đơn giản là chuỗi dài những quyết định lời lãi. Nhân loại chẳng đã tiến những bước dài một cách hoàn toàn phi… kinh tế hay sao? Mà, riêng trong lĩnh vực của mình thôi, kinh tế học đã bao giờ quán xuyến trọn vẹn một chặng đường ngăn ngắn? Cuộc đại khủng hoảng mang tên Great Depression 1930 đã làm thế hệ thời ấy nghi ngờ “bàn tay vô hình” của Adam Smith và hướng đến “bàn tay can thiệp” của John Maynard Keynes. Bốn thập niên sau, cuộc suy thoái của thập niên 1970 đã đẩy Keynes vào tình trạng bị bỏ rơi để ý tưởng của Smith tái sinh và, cộng với những biến tấu màu mè khác, trở thành trường phái “tân cổ điển”. Cuộc suy thoái tài chính toàn cầu bộc phát gần hai năm trước lại khiến phái tân cổ điển bị lôi ra nguyền rủa để mở ra một chu kỳ mới cho chủ trương… tân can thiệp. Kinh tế học là thế, chưa bao giờ ra môn ra khoai. Kinh tế học thường gây ở chúng ta cái cảm tưởng bất an về chu trình lòng vòng lui tới chừng ấy chuyện và, theo thời gian, nẩy thêm vài biến tấu hoa sói hoa hoè. Kinh tế học cho rằng chúng ta nên thủ thân, giữ chặt con chim trong tay và chớ có dại dột thả mồi bắt bóng, viển vông với hai con chim trên bụi cây. Nhưng rõ ràng là nhân loại đã tiến những bước thực dài với những nhân vật khác người, những người khổng lồ có thể thoải mái thả mồi bắt bóng để theo đuổi những thứ còn lơ lửng trên trời. Từ nghiên cứu khoa học cho đến sáng tạo nghệ thuật, thường, những kẻ cống hiến nhiều nhất, đưa ra những bước tiến mang tính đột phá nhất, lại là những kẻ “viển vông” nhất, những kẻ không chút tiếc nuối với những thứ ổn định trong tay để theo đuổi những giấc mơ thật lớn, thật cao vời.

Một dân tộc lớn là một dân tộc luôn hướng tới những dự án lớn và do đó rất cần đến sự dẫn đường của giới cầm tri thức có giấc mơ lớn. Nhà cai trị cũng có những giấc mơ lớn nhưng, như những kẻ dễ bị quyền lực làm sa đoạ nhất, lại là những kẻ dễ mắc bệnh vĩ cuồng nhất và do đó tính cần thiết của giới cầm tri thức không chỉ quan trọng ở vai trò dẫn đường mà còn quan trọng trong vai trò phá bĩnh để ngăn, không cho cộng đồng bị lôi kéo vào những cơn điên duy ý chí. Nói theo Game Theory thì một dân tộc không thể lớn khi giới cầm tri thức ngay ngáy gìn giữ “cân bằng” với giới cầm quyền, thứ “cân bằng” hình thành theo nguyên lý tối đa hoá lợi nhuận và tối thiểu hoá thiệt hại nên, do đó, luôn nghiêng về vị trí của kẻ đang nắm chìa khoá của kho súng trong tay và kho tài nguyên trong túi.

Trở lại với giới cầm tri thức Việt Nam, có tiếng là phò chính thống. Não trạng phò chính thống, thực chất, là não trạng ăn chắc mặc bền của một nước thiếu ăn lại hay loạn lạc. Ăn chắc mặc bền, họ đố kỵ sự phiêu lưu, đố kỵ sự gây hấn và khư khư ôm chặt những gì đang có. Với một não trạng như thế, giới cầm tri thức Việt Nam đã tiếp nối cái truyền thống tự điều chỉnh mình để tồn tại trong mối quan hệ cộng sinh với giới cầm quyền để gìn giữ những con chim đang nắm trong tay. Và chính cái truyền thống này đã làm dân tộc liên miên thiếu kẻ dẫn đường và tiếp tục nhỏ nhỏ như một dân tộc chậm tiến và lạc hậu.

Lạc hậu như… “dân tộc Việt Nam” của ông Hoàng Xuân Nhị, cái dân tộc chỉ “bắt đầu hình thành vào năm 1930 khi đảng cộng sản ra đời”.[5] Hoàng Xuân Nhị được hệ thống toàn trị xưng tụng là “nhà văn hoá lớn” và thậm chí còn trang trọng tên phố, tên trường nhưng, thực chất, cũng chỉ là một cái túi chứa chữ và, tệ hơn, còn chứa khá nhiều thứ chữ chưa tiêu.[6] Bằng mấy chữ chưa tiêu hoá hết của Vladimir Ilyich Lenin hay Joseph Stalin, vốn dĩ đã hồ đồ, “nhà văn hoá lớn” chỉ có thể ngớ ngẩn hoá những nguỵ tín hồ đồ của mấy lãnh tụ duy ý chí. Vấn đề là, dù ngớ ngẩn đến mấy đi nữa thì, như một nhà cầm tri thức phò chính thống, ông ta tỏ ra cực kỳ được việc. Ông thay mặt nền học thuật toàn trị trong cuộc chiến chống lại “bọn phản động Nhân Văn – Giai Phẩm”.[7] Cả cuộc đời “học thuật” của ông ta, ông ta đã bỏ hết công lao để xây dựng đảng tính cho nền văn học.[8] Trên phương diện mỹ học thì sự mẫn cán của ông ta đã góp phần bóp chết văn học, đẩy nó vào con đường thất bại. Trên phương diện chính trị thì đó lại là một sự mẫn cán được việc, bởi đã xô đẩy nền văn học đến vị trí nghiêng tựa vào hệ thống. Nhưng có vậy thì mới có “nhà văn hoá lớn” nép mình bên “đảng vĩ đại”, và đó chính là một kiểu cân bằng được việc, hai bên cùng có lợi. Thứ cân bằng khi kẻ cầm tri thức hồ đồ gặp kẻ cầm quyền hồ đồ: hồ đồ đến đâu cũng mặc, miễn là được việc.

“Được việc” như nhà cầm tri thức Mai Quốc Liên trong mối quan hệ với nhà cầm quyền Lê Đức Thọ, qua lời kể của chính ông Mai Quốc Liên:

“Nghe tôi nói một hồi về văn chương Nguyễn Trãi – dạo ấy đang là hồi kỷ niệm về Nguyễn Trãi và về thơ Đường, bất chợt bác ngắt lời tôi. – Cháu có thể dạy bác học được? – Ấy chết, sao bác lại nói thế ạ? – Thì bác làm chính trị, bác đâu có thì giờ nhiều… Khiêm tốn quá mức chăng? Để làm gì chứ, với tôi, một người trẻ tuổi chẳng có danh vọng gì so với hàng vạn người khác mà bác có “dưới trướng”? […] Nghĩ cho kỹ cũng là điều đơn giản thôi: nếu cần “dạy” về chữ Hán, về thơ Đường, thơ Tống thì dĩ nhiên đám Hán học chúng tôi có thể làm được lắm chứ. Tại sao mình phải ngạc nhiên. Bác Lê Đức Thọ có phong thái giản dị, dễ thân, dễ gần chứ không cậy quyền uy mà “hách”, điều anh em văn nghệ chúa ghét ở một số người. Tôi để ý thấy bác thường mặc chiếc áo đại cán quân đội đã cũ, trên mình chỉ có cái đồng hồ đeo tay mặt trắng – có lẽ là của Thuỵ Sĩ là “có giá”. Một lần bác mời tôi ăn cơm. Những năm đó mà có chả rán, gà luộc, giò chả… là sang lắm. Nhưng bác ăn được ít, vừa ăn vừa nói chuyện rồi chỉ vào các đĩa thức ăn “cháu ăn vã đi”. Tôi buồn cười trong bụng, ăn làm sao xiết: nhất là nó có nghĩa là ăn thức ăn mà không ăn cơm…”[9]

Ít hay nhiều, nhà cầm quyền nào cũng muốn thể hiên vai trò của một nhà cầm quyền có học. Họ phải mang cốt cách có học để, qua đó, tạo thêm ánh hào quang cho mình và, từ đó, góp phần củng cố thế đứng của mình. Tính như thế thì, với nhà cầm quyền Lê Đức Thọ, ông thầy Mai Quốc Liên là một nhà cầm tri thức cực kỳ… được việc.

Giống như đại đa số các lãnh tụ toàn trị trên cái xứ nông nghiệp đói khổ nhưng có thể tự sướng với danh hiệu “nước thơ”, ông Lê Đức Thọ cũng không thoát khỏi sức hút của thứ thời trang “lãnh tụ yêu thơ”. Bên cạnh hình ảnh ông trùm quyền lực bóng tối Lê Đức Thọ, còn có thêm hình ảnh “nhà thơ Lê Đức Thọ”. Bên cạnh sáu tập thơ riêng của “nhà thơ Lê Đức Thọ”, còn có thêm hai tập thơ chung và đó đây những bài phê bình “vị người bề trên” nhạt thếch.[10] Ông Lê Đức Thọ hiểu rõ trình độ văn chương của mình nên ý thức được cái nhu cầu kèm cặp. Và ông thầy Mai Quốc Liên không chỉ đem mớ kiến thức về Hán-Nôm hay Đường thi ra đánh đổi lấy bữa “ăn vã” mặn mòi mà, theo suy diễn “dường như”, quan hệ hai bên còn bắt cầu từ những quan hệ tào lao khác, dẫu xa xôi vớ vẩn cũng đủ để một nhà cầm quyền đa nghi đặt để lòng tin.[11] Nhưng điều đáng bàn không phải là văn chương của Lê Đức Thọ mà là chủ trương văn nghệ của Lê Đức Thọ. Đó là cái chủ trương đã đẻ ra một nền “văn nghệ minh hoạ” với toàn những nhân vật mà, nói theo lời ai điếu của nhà văn Nguyễn Minh Châu, “không những cái đau khổ, hoạn nạn mà cả cái vui, cái hạnh phúc của họ nó cũng nhem nhuốc, nhớn nhác, tội nghiệp”.[12] Khi sự “nhem nhuốc” này là hệ quả không thể thoát khỏi từ trói buộc của nguy tín “hiện thực xã hội chủ nghĩa” thì vấn đế cần đặt ra là ông Mai Quốc Liên, như là ông thầy văn chương của nhà cai trị, đã ngay ngáy giữ gìn, không dám vượt qua, không dám gây hấn với nguỵ tín đó.

Ông Mai Quốc Liên nói đến lễ kỷ niệm Nguyễn Trãi, tức năm 1980, 600 năm ngày sinh tác giả “Bình Ngô Đại Cáo”. Như thế thì trước đó không lâu, chính “học trò” Lê Đức Thọ của ông ta đã chủ trì buổi đấu tố nhà văn Nguyên Ngọc, tác giả bản “Đề Dẫn” tại hội nghị nhà văn tháng 6 năm 1979, được hiểu như là sự gây hấn với những nguỵ tín hiện thực xã hội chủ nghĩa. Nhà văn Nguyên Ngọc muốn đẩy nền văn học thoát khỏi cái hành trình “nhem nhuốc” nhưng Lê Đức Thọ, như là một trong những tiếng nói quyền lực cuối cùng, cương quyết bảo vệ cái sự “nhem nhuốc” được việc đó. Ông ta trả ngược “tâm thư” của Bùi Minh Quốc về các viên chức văn nghệ khi nhà thơ này ngây ngô tìm đến ông ta như vị cứu tinh, bày tỏ những thủ đoạn đấu tố đê hèn trong Hội nhà văn đối đối với Nguyên Ngọc. Ông ta đích thân chủ trì buổi đấu tố Nguyên Ngọc tại Ban Bí thư.[13] Bảo vệ hệ thống chính trị của mình, ông ta cẩn thận và cầu toàn trong việc bảo vệ một nền văn học được việc và một đội ngũ văn nghệ sĩ được việc, những kẻ không chút xấu hổ tự nhận là “hạt bụt”, chỉ lấp lánh được vài tia sáng là nhờ tựa mình vào đảng.[14]

Như một cá nhân, ông Lê Đức Thọ có quyền yêu văn chương theo kiểu của mình. Ông Mai Quốc Liên cũng có quyền dạy học trò theo kiểu riêng của ông ta tuy nhiên vấn đề ở đây là chính sách, là những tác động vĩ mô. Khi kể lại câu chuyện trên thì ông Mai Quốc Liên đã là “Giám đốc Trung tâm Quốc học” nên, như là nhà lãnh đạo nền “quốc học”, dù là một kỷ niệm nhỏ với nhà lãnh đạo, điều mà ông ta hướng đến phải là cái gì đó sâu rộng hơn chứ? Nghe ông ta “nói một hồi”, nhà cầm quyền mời ông ta về dạy học. Vậy thì sau khi “học”, không chỉ là “một hồi” mà rất nhiều hồi, nhà cầm quyền có đưa ra những “mời mọc” mới nào trong chính văn chương của ông ta và, quan trọng hơn, trong cái chủ trương văn nghệ đã đẻ ra những cái cười hay cái đau “nhem nhuốc, nhớn nhác, tội nghiệp” hay không? Ông “giám đốc trung tâm quốc học” không mảy may đề cập, dù chỉ một dòng. Ông nhớ phong cách xuề xoà của kẻ cầm quyền. Ông nhớ bữa ăn vã toàn thịt và chả giữa cái thời cơm độn. Ông tự hào nhắc lại những quan hệ tào lao có thể đã giúp ông được lãnh tụ đặt để lòng tin. Cách đặt vấn đề ấy khiến chúng ta không chỉ nghi ngờ nền “quốc học” ông ta điều hành mà còn nghi ngờ phong cách học thuật mà một bậc lãnh đạo nền quốc học lẽ ra phải có. Chúng ta nghi ngờ nhưng hệ thống toàn trị thì có thể yên tâm bởi đó là một cách đặt vấn đề vô hại. Nó tầm phào nhưng vui vui, cũng được một vài trống canh. Nó yên phận, nhỏ nhoi, nghĩa là không liên quan gì đến chuyện vĩ mô, đại sự. Tức là nó không mảy may động đến những nguỵ tín và, do đó, khá là được việc.

Cơ hồ, cái giá để trả cho sự được việc của giới cầm tri thức Việt Nam đã thấp đến mức thấp chưa từng thấy. Thời Lê –Trịnh, được xem là thời kỳ suy tàn của Nho giáo, thế nhưng những thành phần có học thời ấy vẫn giữ được những thế giá nào đó của mình. Một lời của Nguyễn Bỉnh Khiêm đã buộc Trịnh Kiểm dừng tay, không dám tận diệt nhà Lê. Trịnh Sâm, vị chúa đời thứ 9 nhà Trịnh, đã phải bỏ ra bao nhiêu công phu mới có thể lôi kéo được một ông “thầy dạy kèm” cho mình trong nghiệp bá? Mở khoa thi Hương năm 1779, Trịnh Sâm đã mang những ghi chép trong Luận Ngữ về Quản Trọng và bá đạo để thăm dò và, đánh hơi được ý đồ phủ Chúa, nhiều sĩ tử đã thi nhau đề cao bá đạo. Thế nhưng Trịnh Sâm không dám công khai, ra mặt. Xuất sắc nhất trong nhóm phò chính thống này là Trần Trọng Tốn nhưng Trịnh Sâm không dám cả việc cho Tốn “bảng hổ đề tên” mà, thay vào đó, bí mật ra lệnh đánh trượt rồi bí mật triệu về phủ Chuá để sử dụng như một cố vấn đắc lực.[15] Cả trong thời cực thịnh của Nho giáo với quyền uy tuyệt đối của vua Lê Thánh Tôn, canh bạc cầm quyền – cầm tri thức cũng không hề dễ dãi với cái giá của một bữa ăn toàn thịt. Lương Thế Vinh là một tài năng xuất chúng đã được nhiều lần tiến cử nhưng cả đời cũng chỉ lẩn quẩn với vai trò của một viên thư lại nhỏ trong triều chỉ vì sự đố kỵ của chính Lê Thánh Tôn. Lê Thánh Tôn cần giới cầm tri thức phụng sự chủ trương độc tôn Nho học mà Lương Thế Vinh thì gan góc, phá vỡ quan hệ cân bằng. Lê Thánh Tôn bài bác Phật giáo thì Lương Thế Vinh đề cao Phật giáo, với “Bài ký về chùa Diên Hựu”. Lê Thánh Tôn đề cao thơ phú thì Lương Thế Vinh chú ý đến những giá trị thực dụng, với Đại thành toán pháp. Lê Thánh Tôn ghét chèo thì Lương Thế Vinh bông đùa với chèo, bằng Hỷ phường phả lục.[16] Có nhìn lại như thế thì mới thấy rằng chưa bao giờ giới cầm tri thức Việt Nam tự rẻ rúng mình như là hôm nay. Một nhà khoa bảng tiếng tăm như Hoàng Xuân Nhị có thể dễ dãi bán mình với những “nghiên cứu khoa học” theo đó thì có đảng mới có dân tộc, có đảng mới có tự do tư tuởng. Một bậc “quốc học” như Mai Quốc Liên thì quên hết những khía cạnh mang tầm “quốc học” của vấn đề, chỉ nói tới bữa ăn ngon và những quan hệ tào lao với nhà cai trị. Những tài thơ tài văn hàng đầu thì hân hoan rạp mình xuống đất, vui vẻ ví mình là hạt bụi và an nhiên đấm gục bạn bè và đồng nghiệp bằng những lời lẽ oan nghiệt nhất trong cái thủ tục “ăn thịt người” dưới danh xưng “phê bình kiểm điểm”.

Cái gì đã khiến giới cầm tri thức Việt Nam sa đoạ, tự rẻ rúng mình như thế này? Câu trả lời, có lẽ, là cái “lớp lang” giáo huấn và kỷ luật đã nhắc ở trên.

Mỗi thiết chế cai trị đặc thù đều có một phương thức phân phối tri thức đặc thù và quyền lực ở đây chính là quyền phân phối, kiểm soát và công nhận tri thức Khi hệ thống toàn trị Stalinist nhuốm màu phong kiến theo đuổi một chủ trương tri thức bần tiện và ác nghiệt thì những sản phẩm ưng ý nhất của nó cũng ít nhiều như thế.

Hệ thống cầm quyền nào cũng hướng đến việc đào tạo những thành phần cầm tri thức trung thành và được việc. Quốc Tử Giám, được xem như là trường đại học đầu tiên của Việt Nam, có ra đời thì cũng chỉ ra đời với mục tiêu phân phối tri thức cho dòng dõi quý tộc hay quan lại, nghĩa là lớp người gắn bó với thiết chế chính trị thời ấy nhất. Để thành đạt trong hệ thống công nhận tri thức qua các trường thi bằng lều thì các sĩ tử thời ấy phải thuộc lòng Tứ Thư, Ngũ Kinh,. Minh Tâm Bửu Giám, v.v… và, tất cả, không thoát ra ngoài lý tưởng trung quân. Thay thế cái học khoa cử, hệ thống giáo dục thực dụng của chính quyền thuộc địa cũng chỉ nhắm đến việc đào tạo những viên chức được việc trong guồng máy cai trị: học gì thì học, những học sinh thời ấy họ phải học cho được cái công nghiệp khai hoá của nhà nước bảo hộ thuộc địa và sự lớn mạnh không thể khuất phục của nhà nước đó. Tất nhiên, đó toàn là những mô thức phân phối tri thức vị lợi thế nhưng, đến mô thức của hệ thống toàn trị Stalinist, cái tính vị lợi ấy đã trở nên bần tiện và ác nghiệt.

Hệ thống đó xây dựng trên nền tảng ý thức hệ mà ý tưởng chủ đạo được tóm gọn và nhai đi nhai lại trong mấy chữ “đấu tranh giai cấp”. Mà “đấu tranh giai cấp” thì, từ đầu, ngay ở bài Quốc tế ca, đã bộc lộ cái ẩn ức lợi quyền “Bao nhiêu lợi quyền ắt qua tay mình / Đấu tranh nay là trận cuối cùng”. Như thế thì, từ đầu, “đấu tranh giai cấp” cũng chỉ là cuộc chiến đấu xuất phát từ những ẩn ức kinh tế, nghĩa là ẩn ức của lòng tham và sự sợ. Để bảo vệ cái nền tảng chính trị xây dựng từ lòng tham và sự sợ này thì phải có một hệ thống phân phối tri thức tham sợ tương ứng. Tham và sợ, hệ thống phân phối tri thức ấy bần tiện với chính sách lý lịch cay nghiệt của một thời. Tham và sợ, hệ thống ấy tiếp tục bần tiện với cái quyền công nhận tri thức ở mức cao nhất với chính sách tập quyền cao nhất, qua cái gọi là “Hội đồng chức danh giáo sư nhà nước”, có lẽ là thứ “hội đồng” độc nhất vô nhị trên thế giới.[17] Tham và sợ, hệ thống đã trở nên bần tiện vào hàng bậc nhất khi chính sách kiểm duyệt của nhà nước xưng là độc lập tỏ ra khe khắt hơn hẳn chính sách kiểm duyệt của bộ máy cai trị thực dân.[18] Khi bần tiện vào hàng bậc nhất như thế thì hệ quả là sự ác nghiệt của đòn thù với những biện pháp kỷ luật dành cho những nhà cầm tri thức dám gây hấn như Hữu Loan, Phùng Quán, Nguyễn Hữu Đang, những biện pháp lẽ ra không nên dành cho đồng loại.[19] Hệ thống đã như thế thì những sản phẩm được việc nhất của nó cũng phải như thế. Đó là những ông “thầy” sáng mắt trước bữa ăn ngon, những “nhà văn hoá lớn” sẵn sàng phủ nhận lịch sử, những nhà văn nhà thơ vui vẻ rạp đầu xuống đất ví mình là hạt bụi và không ngần ngại sử dụng những lời lẽ ác nghiệt để “ăn thịt” đồng nghiệp.

Hẳn nhiên là không chỉ có những sản phẩm ưng ý và được việc. Chúng ta từng nhắc tới nhà văn gây hấn với nguỵ tín hiện thực xã hội chủ nghĩa là gì? Chúng ta từng nhắc đến những kẻ gây hấn bị hệ thống đối xử với những cung cách bần tiện và ác nghiệt, không ra con người là gì? Mới đây, sự gây hấn ấy đã lập lại trong câu chuyện quanh việc giải tán Viện nghiên cứu phát triển (IDS), chuyện đã khiến nhà cai trị đòi “xử lý thích đáng”, trong một cung cách rất là trơ trẽn và bần tiện.[20] Nhà cai trị đã viện dẫn quyền lực toàn trị để ấn định “tri thức” riêng về khai khoáng học và môi truờng học.

Nhưng giới cầm tri thức trong cuộc thì thiếu điều gào vào lỗ tai họ những tác hại vĩ mô của chiến lược phát triển dựa trên thứ “tri thức” bị cưỡng bức đó. Từ những xác quyết kỹ thuật, “bền vững” hay “không bền vững”, va chạm, chuyển sang những xác quyết pháp lý với “hợp pháp” hay “không hợp pháp”. Từ bên trong hệ thống, họ vượt ra ngoài bằng cách viện dẫn lề luật bên ngoài, nghĩa là phá vỡ cân bằng và dẫm lên nguỵ tín pháp lý của hệ thống.[21] Như thế thì, cho dù canh bạc chưa đi đến chỗ hạ hồi, cách lật bài như thế đã thể hiện nhân cách trí thức của các tay chơi. Vấn đề là những tiếng nói trí thức như thế hãy còn thưa thớt trong khi nhà toàn trị thì càng ngày điên cuồng hơn trong giấc mơ duy ý chí.[22] Tiếng nói của họ đang chìm dần trong tuyệt vọng và canh bạc đang là một canh bạc bi quan khi cảnh sát phạt chỉ diễn ra một chiều với vai trò nhà cái của nhà kẻ cầm quyền, với cảnh xum xoe của những nhà cầm tri thức phò chính thống, những kẻ “sáng mắt sáng lòng” trước miếng ngon, vận dụng mọi thứ triết lý để biện giải cho cái sự cầu cạnh miếng ngon.[23]

Một nhà cai trị nổi tiếng là minh quân như Lê Thánh Tôn mà không thể hiện được nhân cách trí thức trong cách đối xử với một tài năng như Lương Thế Vinh thì nói gì là những nhà cầm quyền của một hệ thống toàn trị bần tiện và ác nghiệt? Thế nhưng vẫn không thiếu cảnh xum xoe. Bi kịch của dân tộc chúng ta hôm nay, oái ăm thay, lại là nét hài trong cái cảnh khóc cười này. Khóc cười với những nhà toàn trị thiển cận ngọng nghịu về những giấc mộng vĩ cuồng. Khóc cười với mấy thứ triết lý cao vời mà kẻ cầm tri thức mang ra để biện minh cho sự cầu cạnh bần tiện của mình.

Ông Hoàng Xuân Nhị từng vững tin vào tri thức của Stalin. Những nhà toàn trị hôm nay vững tin vào tình hữu nghị và hứa hẹn của một láng giềng từng bị điểm mặt trong hiến pháp là “kẻ thù nguy hiểm”.[24] Giới cầm tri thức xa xa thì vững tin vào miếng ngon của nhà toàn trị và hệ quả là những lời tán tụng đầy nhà. Ông Hoàng Xuân Nhị đã tin và đã xoá bỏ một chương dài trong lịch sử dân tộc, còn họ thì, với những chính sách điên cuồng và những lời tán tụng “đầy nhà” ấy, sẽ dẫn đến sự xoá bỏ nào đây?

Khi những lời tán tụng phò chính thống càng ngày càng lấn át những tiếng nói trí thức dũng cảm, tôi không thể nào xoá bỏ những ý nghĩ vô cùng đen tối và bi thảm về đoạn kết ấy ra khỏi cái đầu của mình. Đen tối và bi thảm như khung cảnh bên trong gia đình Vương viên ngoại lúc cuộc đoạn trường của cô con gái đầu lòng thực sự mở màn:

Đầy nhà vang tiếng ruồi xanh…

Nguyễn Hoàng Văn

Sydney 11.12.2009

____________________

Tham khảo & Chú thích:

[1]Tuổi Trẻ, 5.2.2009, Võ Văn Thành phỏng vấn Nguyễn Tấn Dũng.

Hỏi: Thưa Thủ tướng, vừa qua đại tướng Võ Nguyên Giáp có một bức thư gửi Thủ tướng về vấn đề khai thác bôxit ở Tây nguyên. Xin hỏi Thủ tướng đã nhận được bức thư này?

Đáp: “Thư của đồng chí Võ Nguyên Giáp tôi đã nhận được. Khai thác bôxit Tây nguyên là một chủ trương lớn của Đảng và Nhà nước, đã được nu trong nghị quyết đại hội X của Đảng và Bộ Chín trị đã ba lần nghe, kết luận về phát triển bôxit Tây nguyên. Chính phủ đã phê duyệt một quy hoạch về bôxit Tây nguyên với tinh thần là phát triển hiệu quả, bền vững. Có ý kiến cho rằng khai thác bôxit Tây nguyên sẽ có vấn đề môi trường. Nội lực, tiềm năng đất nước trước hết là con người, thứ hai là đất đai. Hiện nay chúng ta đất chật người đông.

Còn khoáng sản không phải là vô tận, trong đó có dầu thô, thép, đồng, kẽm, đá ôi để sản xuất ximăng… Có những loại khoáng sản khai thác một số năm nữa sẽ không còn. Bây giờ chúng ta đã tìm được là bôxit, theo tài liệu của Liên Xô để lại trước đây có 8 tỉ tấn, thuộc loại trữ lượng có cỡ của thế giới… Đương nhiên khai thác phải hiệu quả, có tính tới vấn đề môi trường.

Các đồng chí tin rằng trong điều kiện khoa học kỹ thuật hiện nay, cùng với những nhận biết của Chính phủ thì hoàn toàn có thể thực hiện đúng nghị quyết của Đảng là khai thác hiệu quả, làm ra bôxit, làm ra nhôm nhưng vẫn bảo đảm được môi trường, bảo đảm sự phát triển bền vững, bảo đảm an ninh chính trị của đất nước. Ít hôm nữa sẽ có hội thảo do Phó thủ tướng Hoàng Trung Hải chủ trì, trình bày với tất cả các nhà khoa học, các nhà báo quan tâm đến vấn đề bôxit Tây nguyên qua những vấn đề đặt ra, phương án khai thác thế nào, công nghệ thế nào để tạo sự đồng thuận.”

[2]Nhiều nguời Việt vẫn cảm thấy xa lạ, thậm chí đố kỵ với từ “hậu hiện đại”. Trên thực tế giới nghiên cứu vẫn xem rằng chúng ta đang sống trong kỷ nguyên hậu hiện đại: kỷ nguyên hiện đại bắt đầu từ việc đập phá ngục Bastille vào năm 1787 và chấm dứt với việc đập phá bức tường ngăn đôi Berlin vào năm 1989.

[3]Việt Phương (sinh năm 1928) là một nhà thơ Việt Nam thời kỳ chiến tranh, nổi tiếng với tập thơ Cửa mở, sáng tác hai mươi năm trước thời mở cửa, những câu như:

Cuộc đời thương như vợ của ta ơi

Năm xưa ta nói rất nhiều “cực kỳ” và “hết sức”

Tội nghiệp nhất là ta nói chân thành rất mực

Chưa biết rằng “trời” còn xanh hơn “trời xanh”

Ta thiếu sự trầm lắng đúc nên bởi nhiệt tình.

Ta cứ nghĩ đồng chí rồi thì không ai xấu nữa

Trong hàng ngũ ta chỉ có chỗ của yêu thương

Đã chọn đường đi, chẳng ai dừng ở giữa

Mạc Tư Khoa còn hơn cả thiên đường.

Ta nhất quyết đồng hồ Liên Xô tốt hơn đồng hồ Thụy Sĩ

Mường tượng rằng trăng Trung Quốc tròn hơn trăng nước Mỹ…

[4]John Nash, Noble Kinh tế 1994

[5]Đào Duy Anh, Nhớ nghĩ chiều hôm, NXB Văn Nghệ TPHCM (2002), tr. 150, 154-155

“Trong Tập san Đại học Sư phạm số 5 thì ông Hoàng Xuân Nhị lại cho rằng mãi đến năm 1930 với sự thành lập của Đảng cộng sản Đông Dương ‘lần đầu tiên trong lịch sử Việt Nam, trải qua mấy nghìn năm, dân tộc Việt Nam bắt đầu hình thành”.

Đào Duy Anh không nói rõ năm tháng phát hành, tuy nhiên suy diễn theo các thông tin trong bài thì tập san này phát hành vào đầu năm 1956.

Năm 1913 Stalin viết cuốn sách mà bản dịch Anh ngữ là Marxism and the national question, các tài liệu tiếng Việt dịch tên cuốn sách này là “Chủ nghĩa Mác và vấn đề dân tộc”. Tiếng Nga “Нация” (natia), trong tiếng Anh, Pháp và Đức cũng là “nation”, nếu dịch sang tiếng Việt là có thể dịch là “quốc gia” và “dân tộc”, tuy nhiên đây là hai khái niệm khác nhau. Khái niệm “dân tộc” thì đã có từ lâu, còn khái niệm “quốc gia” – như là sản phẩm của cuộc cánh mạng kỹ nghệ và dân quyền tại Âu châu – chỉ đến với Việt Nam từ cuối thế kỷ 19 – đầu thế kỷ 20.

Theo Đào Duy Anh thì Stalin thì đã đưa ra nhiều cách giải thích mù mờ nên khiến nhiều người lẫn lộn. Đầu tiên Stalin cho rằng “nation” là cộng đồng hình thành sau khi chấm dứt đời sống bộ lạc. Thế nhưng trong phần chính, khi nói về lịch sử các nước Âu châu, Stalin cho rằng để gọi là “nation” thì phải hội đủ 4 yếu tố chung: kinh tế, ngôn ngữ, lãnh thổ, tâm lý, trong đó yếu tố kinh tế được xem quan trọng nhất.

Thấy được điểm sai này nên năm 1929 Stalin cho xuất bản cuốn The National Question and Lenism để giải thích tiếp, cho rằng có nhiều loại “nation” trên thế giới, và loại “nation” đã nhắc trong cuốn sách năm 1912 là nói về các “nation tư sản”.

Theo Đào Duy Anh thì ông Hoàng Xuân Nhị lại tiếp tục hiểu sai ý của Sta lin. Sau khi tham khảo Đại bách khoa toàn thư Xô viết, ông khẳng định “Theo sự nghiên cứu của khoa học viện Liên Xô… thì trên thế giới chỉ có hai loại dân tộc thôi” (dân tộc tư sản và dân tộc xã hội chủ nghĩa).

[6]Hoàng Xuân Nhị (1914–1990), Quê Đức Thọ, Hà Tĩnh, du học Pháp vào năm 1935 và đậu cử nhân và thạc sĩ triết học. Năm 1946 về nước kháng chiến, sau 1954 dạy tại Đại học Sư phạm Hà Nội rồi chuyển về Đại học Tổng hợp Hà Nội, chức vụ cuối cùng là Chủ nhiệm khoa Ngữ văn, Đại học Tổng hợp Hà Nội. Tên Hoàng Xuân Nhị được đặt cho một con đường ở Tân Phú (Sài Gòn) và một trường học tại Cà Mau.

[7]Ngày 16 và 17.10.1956 Hoàng Xuân Nhị đăng bài “Chủ nghĩa nhân văn của chúng ta” trên báo Nhân Dân, nội dung chứng minh “văn nghệ phải có Đảng tính và văn nghệ sĩ phải triệt để phục tùng sự lãnh đạo của Đảng”. Sau đó Bùi Quang Đoài và Trương Tửu tranh luận với Hoàng Xuân Nhị trên tạp chí Nhân Văn số 4 (5.11.1956) và Giai phẩm mùa Đông số 1 (28.11.1956). Có thể xem bài “Tự do tư tưởng của văn nghệ sĩ và sự lãnh đạo của Đảng Cộng sản Bôn-sê-vích” của Trương Tửu trên diễn đàn talawas ngày 20.4.2007 và bài “Chủ nghĩa nhân văn của ông Hoàng Xuân Nhị” của Bùi Quang Đoài trên talawas ngày 10.3.2007.

Ngày 27.12.1956 Hoàng Xuân Nhị trả lời Bùi Quang Đoài và Trương Tửu trên báo Văn nghệ số 153 (27.12.1956) bằng bài “Về bài báo của Lê-nin năm 1905, vạch rõ nguyên lý của nền văn học có Đảng tính”. Có thể xem bài này trên diễn đàn talawas ngày 28.8.2008, do Lại Nguyên Ân biên soạn.

Trong bài viết đăng trên Nhân Văn số 4, sinh viên Bùi Quang Đoài viết: “Một là ông Nhị không tiêu hóa được tài liệu, hai là ông Nhị đã lợi dụng tài liệu để xuyên tạc . Nó không đúng với tinh thần trung thực của người trí thức.”

Và: “Xuất phát từ lệch lạc đó, Hoàng Xuân Nhị cho rằng nhờ có Đảng mới có tự do tư tưởng. Như ý kiến tôi vừa trình bày, tôi hỏi lại ông Nhị là có Đảng rồi mới có quần chúng hay có quần chúng rồi mới có Đảng? Như thế thì rõ ràng là không phải có Đảng người văn nghệ sĩ mới có tự do tư tưởng mà ngay những thế kỷ trước cũng như thời kỳ trước cách mạng, mặc dầu thực dân đàn áp khủng bố, Vũ Trọng Phụng, Nguyễn Công Hoan vẫn kiên quyết tự do tư tưởng, tố cáo “cái xã hội chó đểu” buộc tội giới cầm quyền bấy giờ. Lúc ấy họ ấy họ có là đảng viên đâu; chỉ có là sáng tác phẩm của họ chịu ảnh hưởng ít nhiều của phong trào đấu tranh cách mạng mà thôi.”

[8]Không kể các “bài báo khoa học” có thể thấy được điều này qua 7 công trình nghiên cứu hay dịch thuật liệt kê trên trang web của Đại học Quốc gia Hà Nội:

– Chống tư tưởng tư sản phản động hiện đại trong mĩ học và văn học nghệ thuật (giới thiệu, lược dịch, biên soạn). Trường Đại học Tổng hợp Hà Nội xuất bản

– M. Gorki – Đời sống và sự nghiệp. Nxb Sự thật, 1958 – 1959

– Lịch sử văn học Nga thế kỉ 19. Nxb Văn hoá, 1960

– Nguyên lí mĩ học Mác – Lênin, tập 1. 1961, 1963

– Lênin và tính đảng trong văn học cách mạng hiện đại. 1970, (in rônêô)

– Chủ nghĩa xét lại hiện đại trong văn học nghệ thuật ở một số nước. Đại học Tổng hợp Hà Nội, 1974

– Tìm hiểu thơ Hồ Chủ tịch. Nxb Đại học và Trung học chuyên nghiệp, 1976

Chú ý là trong mục “Các bài báo khoa học, trang web này đã loại bỏ hẳn hai bài báo nêu trên. Tuy nhiên cũng có rất nhiều bài sặc mùi đảng tính như:

– “Tìm hiểu luận điểm của Các Mác về quan hệ biện chứng giữa tính bi kịch lịch sử và tính hài kịch sử của những giai cấp, tập đoàn thống trị trong xã hội có áp bức bóc lột”. Tạp chí Văn học, số 4/1969

– “Nội dung tính Đảng Cộng sản và tính nhân dân trong văn học cách mạng hiện đại”. Tạp chí Văn học, số 1/1970

– “Tìm hiểu tính Đảng trong thơ Hồ Chủ tịch”. Tạp chí Văn học, số 3/1971

– “Nhân dịp kỉ niệm lớn, đọc lại Các Mác và gợi ý mới về lí luận văn học nghệ thuật”. Tạp chí Văn học, số 3/1983

– “Những kỉ niệm về văn học Xô Viết”. Tạp chí Văn học, số 2/1983

[9]GS TS Mai Quốc Liên “Lê Đức Thọ như tôi đã biết”, trong (2000), Nhớ về anh Lê Đức Thọ, NXB Chính trị Quốc gia. Tr. 280

[10]Từ 1968 đến 1986 Lê Đức Thọ đã xuất bản 6 tập thơ, với các nhà xuất bản Văn Học, Giải phóng, Quân Đội Nhân Dân. In chung trong Thơ kháng chiến (Văn học 1995) và tập Hồ Chí Minh – Sóng Hồng – Lê Đức Thọ – Thơ Việt Nam 1954–1964 (Văn học 1997). Thơ Lê Đức Thọ được những nhà phê bình như Bảo Định Giang khen hết lời nhưng cũng hết sức gượng gao.

[11]Mai Quốc Liên, bài đã dẫn. Lê Đức Thọ chủ động “gọi” tác giả “lên chơi”. Tác giả có biết bố vợ của mình Liên là luật sư Ngô Ngọc Sáng, thời kháng chiến là chủ tịch tỉnh Mỹ Tho, khi ông Mai Chí Thọ (Em ruột Lê Đức Thọ) là Trưởng ty Công an. (sđd – tr. 278). Mai Quốc Liên chỉ đoán là “dường như” ông Lê Đức Thọ biết điều này nên “thân” với mình.

[12]Nguyễn Minh Châu “Hãy đọc ai điếu cho một giai đoạn văn nghệ minh họa”, Văn nghệ, Hà Nội, số 49 & 50 (5-12-1987)

[13]Bùi Minh Quốc, “Làng văn một thời, và…” talawas 23.6.2004.

Tác giả kể về không khí đấu tố của Hội Nhà văn đối với nhà văn Nguyên Ngọc sau bản “Ðề cương Đề dẫn” đọc trong hội nghị tháng 6 năm 1979.

“Vào thời gian Ban Bí thư Trung ương Ðảng chuẩn bị nghị quyết về công tác tư tuởng, có mời một số văn nghệ sĩ họp để nghe ý kiến. Cuộc gặp này do đồng chí Lê Ðức Thọ, uỷ viên Bộ Chính trị chủ trì. Nhà văn Nguyễn Trọng Oánh, quyền tổng biên tập tạp chí Văn nghệ Quân đội đi họp về, vẻ mặt rầu rĩ, kể với tôi: trong cuộc họp, nhiều người, trong đó có cả các uỷ viên Đảng đoàn Hội Nhà văn mà hăng hái dữ dằn nhất là ông Chế Lan Viên đã lớn tiếng phê phán Nguyên Ngọc hết sức gay gắt vì bản Đề dẫn, kết cho Nguyên Ngọc các tội rất nặng như chống nghị quyết của Đảng, quan điểm tư sản v.v…

[…] Các diễn biến tiếp ở Hội Nhà văn, hàng ngày anh Nguyên Ngọc thường về kể với tôi và anh Oánh. Anh Ngọc cho biết ở bên ấy đã dấy lên một không khí cực kỳ tệ hại y như các cuộc đấu tố hồi cải cách ruộng đất mà anh là đối tượng bị đấu. Phần lớn ý kiến đều có tính truy bức, quy anh là quan điểm tư sản, là chống lại các nghị quyết của Ðảng.”

[…] Anh Oánh bàn với tôi, bây giờ cần làm ngay một việc gì để góp phần làm sáng tỏ sự thật, cho tình hình đừng phát triển xấu thêm nữa. Theo anh thì phải viết thư khẩn lên ông Lê Đức Thọ để ông biết điều gì đang xảy ra ở Hội Nhà văn, và với cương vị và trách nhiệm hiện thời, ông ắt có bịên pháp thích hợp. […] Ra khỏi nhà Nguyên Ngọc, Nguyễn Trọng Oánh rỉ tai cho tôi biết số nhà riêng của ông Lê Đức Thọ ở phố Nguyễn Cảnh Chân… Dựng xe trước cổng, tôi vừa ấn nhẹ nút chuông thì lập tức cánh cổng hé mở, một người lính mang súng ngắn từ bót gác gỗ dựng sau tường rào bước ra đứng nhìn tôi với cái nhìn lạnh rợn người.”

Tuy nhiên sau đó thì thư bị ném vòng trở lại: “Tôi thuật lại cho anh Oánh nghe cuộc chạm trán giữa tôi với hai ông Xuân Thiều, Chính Hữu. Anh Oánh chu miệng thở dài, lắc đầu: “Thôi bỏ mẹ, thế là thư tụi mình gửi cho ông Lê Đức Thọ bị ném vòng trở xuống rồi. Hèn nào mấy hôm trước thấy lão Nguyễn Thanh cứ thì thọt xuống gặp Xuân Thiều có vẻ bí mật lắm, thì ra là chuyện này.”

[14]Bùi Minh Quốc, bài đã dẫn:

“Buổi bế mạc, nhà văn Nguyễn Đình Thi, người vừa được “bầu” lại làm Tổng thư ký tỏ ra rất xúc động và mừng rỡ. Niềm xúc động ấy khiến ông khi thay mặt BCH mới được “bầu” phát biểu trước đại hội, thốt lên một câu nổi tiếng: “Chúng ta, những nhà văn, chúng ta chỉ là những hạt bụi, nhưng là những hạt bụi lấp lánh ánh sáng của Đảng”.

Hôm sau, tình cờ tôi gặp nhà sử học Trần Quốc Vượng, ông Vượng cứ nhìn tôi bằng cặp mắt như thể tôi là ông Nguyễn Ðình Thi, và lắc đầu tặc lưỡi mà bảo: “Nhà văn các ông… hừ… Việc gì phải thế nhỉ?…”

Một anh bạn tôi bên ngành giáo dục, nhà ở gần chợ Bắc Qua, kể với tôi rằng, có một cô buôn gà thường ghé sang nhà anh xem ti vi nhờ, tối qua theo dõi màn hình tường thuật buổi bế mạc đại hội nhà văn, khi nghe xong ông Nguyễn Đình Thi hùng hồn tuyên bố câu ấy đã hồn nhiên bật ra một lời bình phẩm: “Gớm, cậu đéo láo mà lịnh thế?’’ (Xin phép bạn đọc, tôi phải ghi nguyên xi thế mới giữ trọn được cái khí lực ngôn ngữ đặc biệt của nhà bình luận dân gian)…

[15]Lê Kim Ngân (1974) Văn hóa chính trị Việt Nam – Chế độ chính trị Việt Nam thế kỷ XVI và XVI, Phân khoa Khoa học xã hộI, Viện Đại học Vạn Hạnh, tr. 230 –233. Dẫn theo: TS Nguyễn Hòai Văn (2002), Tìm hiểu tư tưởng chính trị Nho giáo Việt Nam từ Lê Thánh Tông đến Minh Mệnh, NXB Chính trị Quốc gia, tr. 209.

[16]Nguyễn Đăng Thục (1992) Lịch sử tư tưởng Việt Nam, tập 6. NXH TP Hồ Chí Minh, tr. 60 –91. Dẫn theo TS Nguyễn Hoài Văn, sđd.

[17]Bùi Minh Quốc, “Thư ngỏ gửi các bạn trẻ Việt Nam và hai bạn Mỹ Fred, Rob”, talawas, 19.8.2005:

“Trong dịp đại hội lần thứ 7 vừa rồi của Hội Nhà văn Việt Nam (tháng 4.2005), mấy đồng nghiệp của tôi – nhà thơ Xuân Sách, nhà thơ Trần Mạnh Hảo, nhà văn Hoàng Quốc Hải – phát biểu tại diễn đàn chỉ tha thiết xin nhà nước thành lập cơ quan kiểm duyệt chính thức, công khai, để nhà văn cứ viết hết cỡ theo lương tâm mình, còn nhà nước không vừa ý chỗ nào thì cứ cắt nhưng phải in rõ chấm chấm chấm kiểm duyệt bỏ chấm chấm chấm như thời chế độ thực dân. Ôi, đau đớn làm sao, nhục nhã làm sao! Hỡi hồn thiêng các liệt sĩ Đặng Thùy Trâm, Dương Thị Xuân Quý, Nguyễn Văn Giá, Chu Cẩm Phong, Nguyễn Thi, Lê Anh Xuân, Trần Đăng, Thôi Hữu, Nam Cao, Trần Mai Ninh… và tất cả các liệt sĩ của tất cả các thế hệ đã ngã xuống vì độc lập tự do, hãy về đây mà chứng kiến cho nỗi nhục của chúng tôi! Chẳng lẽ chiến đấu như thế, hy sinh như thế để chuốc lấy nỗi nhục này? Sau bao nhiêu năm chiến đấu hy sinh vì độc lập tự do, nay chỉ xin cái mức tự do ngôn luận như thời thực dân mà cũng không được. Xưa là nô lệ cho ngoại bang, nay lại làm nô lệ cho một nhúm cầm quyền nhân danh Đảng.”

[18]“Hội đồng Chức danh giáo sư Nhà nước”, hiện do “Giáo sư, Tiến sĩ Nguyễn Thiện Nhân, Phó Thủ tướng Chính phủ, kiêm Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo Việt Nam” làm chủ tịch. Có lẽ đây là một hội đồng độc nhất vô nhị trên thế giới. Tại các nước thì các danh vị giáo sư hay phó giáo sư là do các trường đại học hay viện nghiên cứu cấp, chỉ tại Việt Nam thì việc này mới bị “trung ương tập quyền”. Khi việc này thuộc về hệ thống cầm quyền thì chắc chắn việc phong giáo sư không còn độc lập, chỉ thuần túy dựa trên tiêu chí khoa học.

[19]Phùng Cung, vì viết truyện ngắn “Con ngựa già của chúa Trịnh” nên bị 7 năm tù giam; Vũ Duy Lân, một chuyên viên của Bộ Nông lâm, vì bị nghi là cho Nguyễn Hữu Đang một áo len khi đang đi tù nên bị tù 7 năm.

Về Hữu Loan thì cuộc phỏng vấn được phát thanh ngày 12-10-2002 trên BBC đã cho biết: ” Năm 1956, tôi không ở nữa mà tôi bỏ tôi về thẳng, bỏ Đảng, bỏ Cơ quan để về thẳng nhà để đi cày, đi thồ. Cánh ấy (bọn ấy) không cho bỏ, bắt tôi phải xin, bắt tôi phải viết đơn xin, tôi không xin… tôi có cái tự do của tôi… cái chuyện bỏ Đảng là tôi muốn bỏ là tôi bỏ không ai bắt được… Tôi bỏ tôi về, tôi cứ về… tôi phải đi cày, đi bừa, đi thồ, đi đốn củi đưa về, đi xe đá để bán thì là nó làm tôi đủ cách, xe nó không cho xe, nó bắt xe đến nỗi sau cuối cùng không xe được tôi phải đi xe cút kít. Tôi làm cái xe cút kít tôi đi… xe cút kít nó cũng không cho… nó xui người bắt bánh xe, không bán cho tôi nữa… có lần tôi phải gánh bộ, gánh bằng vai… tôi cũng cứ nhận để tôi gánh… Tôi cứ gánh tôi làm, không bao giờ tôi chịu khuất phục.”

[20]Viện Nghiên cứu Phát triển (Institutes of Development Studies) viết tắt là IDS, là một think tank, viện nghiên cứu chính sách tư nhân độc lập đầu tiên ở Việt Nam, đã thu hút sự chú ý của giới quan tâm chính trị – thời sự trong và ngoài nước. IDS được các nhà khoa học tự thành lập năm 2007 và tự giải tán ngày 14.9.2009 sau khi chính phủ ra Quyết định 97/2009/QĐ-TTg (ký ngày 24.7.2009) trong đó nêu ra những điều khoản khiến viện không thể hoạt động theo tiêu chí của mình. Viện trưởng là Tiến sĩ Nguyễn Quang A, nhà văn Nguyên Ngọc cũng là một thành viên.

Ngày 24.9.2009 ông Nguyễn Tấn Dũng tổ chức cuộc họp “triển khai thực hiện Quyết định 97”, tại đây tuyên bố phải “xử lý thích hợp” việc giải tán IDS và “những phát biểu thiếu tinh thần xây dựng của một số cá nhân” thành viên IDS.

[21]Theo Tiến sĩ Nguyễn Quang A thì khi soạn thảo-ban hành Quyết dịnh 97, cơ quan hữu trách đã không tổ chức lấy ý kiến của các đối tượng chịu sự tác động trực tiếp của văn bản và cũng không công bố dự thảo ít nhất 60 ngày trước khi trình lên thủ tướng. Theo ông thì về thủ tục điều này không chỉ vi phạm pháp luật Việt Nam mà còn trái với cam kết quốc tế.

[22]Chưa xong mối lo về dự án bauxite Tây Nguyên thì đến các mối lo cho các dự án phát triển kém vững bền và duy ý chí khác như điện nguyên tử Ninh Thuận, thủy điện Lai Châu. Cũng phải kể thêm một dự án mang nợ: “4 đại học đẳng cấp quốc tế – đào tạo 20.000 tiến sĩ”.

[23]Xem hai bài của Hoàng Ngọc-Tuấn trên talawas: “Về những kẻ “trí thức” giỏi nói nịnh” (1.12.2009) và “Khi con người trở thành con vẹt” (29.11.2009).

[24]Sau cuộc chiến biên giới năm 1979, Hiến pháp nước CHXHCNVN xác định “Trung Quốc là kẻ thù nguy hiểm”.

 

Nguồn: Nguyen Hung’s Facebook