VỀ MỐI QUAN HỆ NGA – TRUNG

Tài liệu tham khảo đặc biệt

Thứ năm, ngày 7/6/2012

TTXVN (Angiê 5/6)

Lo ngại xung quanh hợp tác chiến lược chân chính.

Từ 23 đến 25/1 tại Matxcơva diễn ra Hội nghị song phương hàng năm về các vấn đề chiến lược và an ninh giữa Trung Quốc và Nga. Đây là phiên họp lần thứ năm kể từ năm 2005 đến nay. Theo đánh giá của chuyên gia Jean-Paul Yacine của tạp chí “Tin Trung Hoa”, triển vọng tình hình từ cuối những năm 1980 cho thấy mối quan hệ song phương không ngừng được cải thiện.

Việc xích lại gần nhau giữa Nga và Trung Quốc tiếp tục diễn ra vào năm 2001 với việc ký Hiệp ước hữu nghị và hợp tác được tuyên truyền rầm rộ rồi vào năm 2005 với việc thiết lập hợp tác chiến lược. Trong một số mối quan hệ quốc tế, thuật ngữ “chiến lược” đôi khi được sử dụng không đúng chỗ, nhưng đối với mối quan hệ Nga-Trung, thuật ngữ đó hoàn toàn thích hợp.

Hiệp ước năm 2001 bao gồm nhiều vấn đề có tầm quan trọng cốt tử, từ cung ứng khí đốt và dầu mỏ cho Trung Quốc đến hợp tác giữa hai nước chống mối đe dọa khủng bố ở Trung Á hay bán vũ khí và chuyển giao công nghệ cho Quân giải phóng nhân dân Trung Hoa. Trong các lĩnh vực này, hoạt động phối hợp chống chính sách sức mạnh và bá quyền của Mỹ chiếm một vị trí quan trọng.

Khía cạnh “chống Mỹ” trong việc xích lại gần nhau giữa Nga và Trung Quốc trước đây được mở rộng rất nhiều dưới thời Giang Trạch Dân trong suốt nhiệm kỳ của ông. Bắt đầu từ năm 1992, Trung Quốc cùng Nga tố cáo hành động của NATO – và các chiến dịch đặc biệt của tổ chức quân sự này – ở vùng Bancăng và Đông Âu trước đây (căn cứ quân sự của Mỹ ở Rumani và Bungari), tại Ucraina, Grudia và ở những vùng cận kề phương Tây thuộc Liên Xô, rồi ở Trung Á. Rõ ràng, Nga và Trung Quốc không phải không có lý khi cùng cho rằng chiến lược của Mỹ là “loại bỏ ảnh hướng của Nga khỏi đường biên giới lịch sử của nước này và kiềm chế Trung Quốc”.

Ngoài những lý do đồng thuận chiến lược giữa Nga và Trung Quốc nói trên, còn có thêm việc hai nước thường xuyên dè chừng với lập trường của các nước phương Tây về vấn đề hạt nhân Iran và nghi ngờ các kế hoạch liên quan đến lá chắn tên lửa của Mỹ ở châu Á và châu Âu.

Đó là bối cảnh dẫn đến các cuộc tập trận chung Nga-Trung, bắt đầu từ năm 1999 (với một số thành phần thuộc Hạm đội Thái Bình Dương của Nga và Hạm đội Đông Hải của Trung Quốc) và lên tới đỉnh cao từ năm 2005 với cuộc tập trận hỗn hợp quốc tế trên không và trên bộ đầu tiên với quy mô lớn chưa từng thấy diễn ra trên lãnh thổ Trung Quốc.

Với nhiều cái cớ khác nhau và các tên gọi mập mờ, tất cả các cuộc tập trận tiếp theo đều nhằm mục đích cân bằng hoạt động quân sự của Mỹ ở Đông Á, tại các vùng ngoại biên thuộc Liên Xô và ở Trung Á. Một số cuộc tập trận khác cũng diễn ra hàng năm sau đó, ở biển Nhật Bản, vùng Xibêri, Mãn Châu hay Trung Á. Đồng thời, Nga bán vũ khí cho Trung Quốc, bắt đầu từ năm 1989 và thúc đẩy mạnh hơn khi Trung Quốc bị phương Tây cấm vận, cung cấp cho quân đội nước này các trang thiết bị chính đế nhanh chóng hiện đại hóa (550-600 máy bay chiến đấu hiện đại SU-27 và SU- 30MKK, trực thăng chống ngầm Kamov, tên lửa phòng không S-300, tàu ngầm lớp Kilo, hai tàu khu trục Sovremenny trang bị tên lửa chống tàu…).

Vấn đề là mối quan hệ Nga-Trung không còn cố hữu hay xơ cứng vì lý do tư tưởng như trong thời kỳ Chiến tranh Lạnh. Tuy không tin tưởng lẫn nhau như nói ở trên, song Nga nhận thấy sức nặng ngày càng tăng của Trung Quốc trong các vấn đề của mình nên vẫn giữ mối quan hệ với phương Tây và Liên minh châu Âu. Chẳng hạn, Nga bán 67% tổng lượng khí đốt xuất khẩu của mình cho Liên minh châu Âu. Song song với cuộc đối thoại chiến lược với Trung Quốc, Nga tiến hành các cuộc đối thoại chiến lược khác với NATO và Mỹ, về an ninh châu Âu và phòng thủ tên lửa. Cho dù gặp khó khăn, song các cuộc đối thoại này không phải vì thế mà không trở thành đối trọng với việc xích lại gần Trung Quốc và, ít nhất, cũng tạo cho Nga có thêm khả năng xoay xở.

Nếu như Nga và Trung Quốc có nhiều điểm đồng về chính trị, chuyên gia các vấn đề quốc tế Jean-Paul Yacine nhận xét hai nước lại khá cách xa nhau về kinh tế do lợi ích không đồng nhất. Khi các nhà lãnh đạo Nga và Trung Quốc gặp nhau, mọi thứ dường như đều trôi chảy: hợp tác được cho là đang phát triển sâu rộng, hai bên thống nhất về các vấn đề quốc tế lớn (Libi, Xyri) và vấn đề nhân quyền không ảnh hưởng tới trao đổi thương mại… Trung Quốc và Nga ký nhiều hợp đồng kinh tế trị giá 7 tỷ USD, song vẫn không có tiến triển đáng kể nào trong việc Nga bán khí đốt từ Xibêri với khối lượng lớn cho Trung Quốc.

Trao đổi thương mại hai chiều, cho dù tăng gấp 10 lần từ năm 2001 đến nay, song vẫn chỉ ở mức khiêm tốn (từ 60 đến 70 tỷ USD). Hai nước muốn nói gì thì nói trong thông cáo chính thức, song trao đổi chỉ diễn ra một chiều với cung ứng khí đốt, dầu mỏ và trang thiết bị quân sự là chủ yếu, trong khi Nga rất dè chừng về trang thiết bị quân sự vì không tin Trung Quốc. Kể cả khi được đa dạng hóa, trao đổi vẫn chỉ xoay quanh lĩnh vực năng lượng. Tháng 9/2010, Trung Quốc cho Nga vay 6 tỷ USD để đổi lấy việc nước này bán than cho mình trong 25 năm. Trong chuyến thăm Trung Quốc cuối tháng 9/2010, Tổng thống Dmitry Medvedev hứa sẽ xây hai nhà máy điện hạt nhân ở vùng Thượng Hải, còn Trung Quốc sẽ xây một nhà máy điện ở vùng Yoroslavl.

Nhưng cốt lõi trong quan hệ song phương vẫn là việc ngày 2/1, đưa vào sử dụng đường ống dẫn dầu đầu tiên nối Đông Xibêri với vùng Đông Bắc Trung Quốc, có khả năng vận chuyển 15.000 tấn/năm. Chi phí cho dự án này lên tới 25 tỷ USD và được tài trợ một phần bằng vốn vay của Trung Quốc. Trái lại, hai nước không nhất trí về giá khí đốt được vận chuyển bằng một đường ống đang được xây dựng dự kiến chạy từ Tây Xibêri qua dãy Altai tới vùng Tân Cương, trị giá 16 tỷ USD và có thể vận chuyển 30 tỷ mét khối/năm.

Triển vọng xuất khẩu hàng công nghiệp Nga sang Trung Quốc vấp phải trở ngại do bộ máy công nghiệp quá cổ lỗ và sự cạnh tranh của Trung Quốc, trong khi món nợ của các tổ hợp Nhà nước lớn, hậu quả của các chiến dịch quốc hữu hóa từ thời Putin, là một điểm yếu trước sức mạnh tài chính của Trung Quốc. Quỹ Nhà nước Trung Quốc đã tỏ ý muốn mua lại toàn bộ hay một phần trong số 10 tỷ USD cổ phiếu được bán ra trong khuôn khổ chương trình tư nhân hóa được Bộ trưởng Tài chính Alexei Kudrin quyết định vào năm 2011.

Tại Nga, từ lâu nhiều chuyên gia cảnh báo tình trạng mất cân đối dân số giữa vùng Xibêri và vùng Mãn Châu ngay bên cạnh (chỉ có 8 triệu người Nga sống ở vùng giữa hồ Baikal và Thái Bình Dương, so với 200 triệu người Trung Quốc ở vùng Đông Bắc), trong khi sự đồng thuận giữa Nga và Trung Quốc ở vùng Trung Á bị đe dọa bởi các cuộc chiến tranh giành ảnh hưởng và cạnh tranh trong khai thác nguồn năng lượng. Trung Quốc muốn đa dạng hóa nguồn cung ứng năng lượng nên phát triển ở đây một mạng lưới đường sắt và đường ống dẫn khí đốt ngày càng dày đặc.

Đúng là hai nước cùng có tâm lý nghi ngại đối với Mỹ, song phải thấy rằng đối với Nga cũng như Trung Quốc, Mỹ vẫn là tiêu điểm trong mối quan hệ chiến lược của họ. Một phần ba các câu trả lời của Đới Bỉnh Quốc cho các nhà báo Trung Quốc và Nga hỏi về nội dung cuộc đối thoại chiến lược Nga-Trung, nói đến mối quan hệ giữa một bên là Nga và Trung Quốc với bên kia là Mỹ.

Có xích lại gần nhau không?

Vladimir Putin đã trở lại với ngôi vị số một ở Nga. Tác động địa chính trị của việc này đối với Bắc Kinh là như thế nào? Theo ông Emmanuel Lincot, Giám đốc Bộ phận nghiên cứu Trung Quốc đương đại thuộc Viện Thiên chúa giáo Paris (Pháp), Vladimir Putin trở lại là một tin tốt lành đối với Trung Quốc. Theo quan điểm của Bắc Kinh, điều này sẽ giúp mối quan hệ song phương trường tồn và phối hợp hành động giữa hai cường quốc sẽ tiếp tục ổn định.

Phân tích trên tạp chí “Phát thanh”, ông Emmanuel Lincot lưu ý lập trường của Nga và Trung Quốc không phải lúc nào cũng thống nhất. Năm 1960, với Liên bang Xôviết, người ta đã thấy xảy ra ly khai, rồi căng thẳng ở biên giới dưới thời các Tổng thống Gorbachev và Yeltsin. Sau khi Nga công nhận Ápkhadia sau cuộc khủng hoảng Grudia, Bắc Kinh hoàn toàn không bày tỏ lập trường về vấn đề này.

Trước khi trở thành đối tác chiến lược, Nga và Trung Quốc trải qua một thời kỳ căng thẳng trong nửa sau thời kỳ Chiến tranh Lạnh. Các cuộc cãi vã giữa hai nước chủ yếu liên quan đến xung đột lãnh thổ, thực sự chấm dứt trước khi Liên Xô tan vỡ, khi hai nước ký Hiệp ước hữu nghị và hợp tác vào năm 1990. Từ đó trở đi, Trung Quốc và Nga duy trì mối quan hệ vừa vụ lợi vừa thực dụng về phương diện chiến lược, cần nói rằng hai thực thể đó có một số điểm chung vì vấn đề người Duy Ngô Nhĩ cũng có thể so sánh được với vấn đề Chesnia. Nga cũng như Trung Quốc muốn giải quyết vấn đề của mình trong nội bộ mà các cường quốc bên ngoài không được can thiệp vào.

Đặc biệt, những năm gần đây được đánh dấu bằng việc cải thiện có tính chất Lịch sử mối quan hệ Nga-Trung vào năm 1989, tiếp đó là việc thành lập vào năm 1996 Nhóm Thượng Hải (đến năm 2001 trở thành Tổ chức hợp tác Thượng Hải – SCO) bao trùm không gian giầu dầu mỏ ở Trung Á và cũng là nơi nổ ra căng thẳng chính trị triền miên, với hoạt động của các trào lưu Hồi giáo cực đoan và các mạng lưới buôn bán ma túy.

Mối quan hệ giữa hai nước phụ thuộc vào lợi ích của mình cũng như vào những lần xích lại gần nhau theo tình thế. Tướng de Gaulle có nói: “Một Nhà nước không có bạn mà chỉ có lợi ích.” Vậy hai nước có lợi ích chung gì?

Theo chuyên gia Emmanuel Lincot, cả Trung Quốc và Nga đều chống lại sự bá quyền của Mỹ và có cùng đường lối chống chính sách can thiệp của phương Tây. Bằng chứng là lập trường giống nhau của Nga và Trung Quốc trong các vấn đề như Trung Á hay Ápganixtan và hai nước này ủng hộ nhau về các vấn đề này. Hai cường quốc này muốn phòng ngừa mọi hình thức can thiệp của các cường quốc phương Tây khác vào không gian của mình, như đã từng xảy ra trong các cuộc khủng hoảng Libi và Xyri. Sau khi Nga và Trung Quốc cùng phủ quyết nghị quyết của Liên hợp quốc về Xyri, cộng đồng quốc tế đặt câu hỏi liệu bước đi trái chiều này có phải là do lợi ích chiến lược chung giữa hai nước không? Theo cách nhìn của phương Tây, lập trường đó hoàn toàn lôgích dưới ánh sáng của lợi ích chiến lược chung giữa Nga và Trung Quốc.

Các cuộc tập trận chung được tổ chức thường kỳ giữa hai nước liệu có phải là câu trả lời trực tiếp và thẳng thừng đối với các cuộc tập trận chung giữa Mỹ và nhiều nước khác láng giềng của Trung Quốc, như Hàn Quốc và Việt Nam, không? Chuyên gia Emmanuel Lincot, đồng thời là Tổng biên tập tạp chí “Thế giới Trung Hoa”, cho rằng không phải như vậy, Các cuộc tập trận này được hoạch định từ trước. Chắc chắn là trước chính sách của Mỹ ở châu Á, người ta có thể nói đến một hình thức giáng trả, nhưng ông nghĩ rằng đó là hành động ngoại giao đúng hơn là một mối đe dọa thực sự. Đó cũng là cách để nhắc lại rằng Trung Quốc muốn xác lập không gian ngoại vi của mình, đặc biệt là ở Đông Bắc Á, xung quanh bán đảo Triều Tiên. Cũng có thể coi những sự kiện đang làm. rung chuyển thế giới là dư âm cuối cùng của Chiến tranh Lạnh.

Trong phần lớn các vấn đề quốc tế, Nga và Trung Quốc từ nhiều năm nay thống nhất với nhau để bảo vệ khái niệm không can thiệp vào công việc nội bộ của một nước khác. Tình hình đó là do bản chất chủ quyền của hai nước và lịch sử gần đây của hai nước.

Trong khi Nga chịu ảnh hưởng của việc Liên bang Xôviết tan vỡ năm 1991, Trung Quốc năm 1999 phải chịu cảnh Đại sứ quán của mình tại Bêôgrát (Nam Tư cũ) bị lực lượng NATO không kích. Cuộc xâm lược Irắc năm 2003 của Mỹ rốt cuộc thuyết phục giới lãnh đạo hai nước về sự cần thiết phải tạo thành một khối để chống lại tất cả những gì có thể được xem là mưu đồ can thiệp của phương Tây vào một nước thứ ba, nhằm ngăn ngừa kiểu can thiệp đó chống lại lợi ích của chính hai nước. Lá phiếu phủ quyết đối với vấn đề Xyri là do Trung Quốc và Nga cần phải phủ nhận chính sách can thiệp của NATO, đồng thời cũng do tốc độ cuộc can thiệp quân sự vào Libi khiến Nga và Trung Quốc trở tay không kịp.

Nhưng chuyên gia Nikolas Jucha khẳng định mối quan hệ giữa hai nước không phải lúc nào cũng nồng ấm. Có nên tin cặp Nga-Trung đang tạo ra một liên minh có khả năng đối trọng với ảnh hưởng của các nước phương Tây không? Theo nhà Trung Quốc học Jean-Luc Domenach thuộc CERI-Sciences Po (Pháp), có thể là không, như việc Nga bán 68 tỷ mét khối khí đốt trong 30 năm cho Trung Quốc, được ký trong chuyến thăm cuối năm 2011 của Putin, đã cho thấy. Được lên kế hoạch vào năm 2009 hợp đồng khổng lồ này vẫn chưa đi đến kết quả nào do thiếu sự tin tưởng lẫn nhau giữa hai nước.

Nga nhìn nhận những sự việc làm rung chuyển Trung Quốc trong thời gian gần đây như thế nào? Vụ luật sư mù Trần Quang Thành dĩ nhiên không có lợi cho ngành ngoại giao của cả Mỹ lẫn Trung Quốc, nhưng không gây hậu quả nào đối với mối quan hệ Nga-Trung, về vụ Bạc Hy Lai hãy còn quá sớm để nói như vậy.

Hơn nữa, việc Nga mới đây bắt được một gián điệp Trung Quốc chỉ vài ngày trước khi Putin đến thăm Trung Quốc cho thấy vẫn còn tình trạng nghi ngại lẫn nhau mặc dù mối quan hệ song phương bề ngoài có vẻ tuyệt vời. Đối với chuyên gia Jean-Luc Domenach, điều rất rõ ràng là hai nước từ lâu vẫn dò xét lẫn nhau.

Tình trạng thiếu tin tưởng đó là hạn chế của mối quan hệ giữa Nga và Trung Quốc. Trong cuộc thương lượng tại Liên hợp quốc về vấn đề Libi rồi Xyri; nhiều nhà quan sát nghĩ Trung Quốc và Nga hợp sức với nhau để chống lại các nước khác. Cả hai nước đều khai thác nhau nhằm tăng cường tác động trước các đối tác khác quan trọng hơn, chẳng hạn như Mỹ.

Cho dù không bắt buộc phải là những người bạn tốt nhất trên đời, song Nga và Trung Quốc có nhiều điểm chung: một lịch sử cộng sản trong thời gian gần đây, không chấp nhận can thiệp và quyết tâm hạn chế những “nguyên tắc lớn” về phương diện quốc tế mà các nước phương Tây đưa ra. Như vậy hai nước có cái để thống nhất về nhiều vấn đề địa chiến lược, nhưng lại không có thứ để bảo đảm có được tình đoàn kết vững bền./.

Nguồn: Basam

Từ vựng (Mannhien)

Từ vựng NGHỀ LƯỚI ĐĂNG – Một vốn quý trong kho tàng NGÔN NGỮ, TRI THỨC, VĂN HÓA DÂN GIAN của ngư dân KHÁNH HÒA (1)

Trước đây, lưới đăng là nghề biển có quy mô lớn, có năng suất và lợi tức cao nhất trong các nghề đánh cá ở Khánh Hòa. Cùng với những tục lệ thờ cúng kỳ lạ, những tập quán kiêng cữ đặc biệt, trong quá trình giao tiếp cũng như khi hành nghề, ngư dân lưới đăng đã sáng tạo và sử dụng một hệ thống từ vựng rất phong phú và độc đáo, phản ánh đặc trưng nghề nghiệp và mang đậm sắc thái dân gian. Trải qua thời gian, hệ thống từ vựng này đã trở thành một vốn quý trong kho tàng di sản văn hóa truyền thống của địa phương.

A

– Ăn dọn (còn gọi là dọn nghề): Khâu chuẩn bị trước khi xuất hành ra biển làm mùa, từ việc bày dọn giàn lưới ra một bãi cát rộng để tu sửa, đan vá, kết lại cho hoàn chỉnh đến việc sửa ghe, trét ghe hay xảm thuyền. Thời gian ăn dọn bắt đầu từ trung tuần tháng 11 âm lịch, tùy giàn nghề lớn nhỏ mất khoảng 15 đến 25 ngày để hoàn tất. Trong thời gian ăn dọn, bạn nghề ăn ngủ ngay ngoài bãi.

B

– Bạn lưới (còn gọi là Bạn trên): thuyền viên kéo neo, kéo lưới, làm việc trên ghe là chính. Số lượng khoảng 20 – 28 người, chia đều cho 2 chiếc thuyền đăng, thuyền neo.

– Bạn nằm thuyền: thuyền viên giỏi, nhiều kinh nghiệm, lo việc tát nước, nấu ăn và những việc nặng đòi hỏi tay nghề cao (như nhảy xuống nước kết giải, làm mé làm gót…). Mỗi bên thuyền đăng, thuyền neo đều có từ 1 đến 2 bạn nằm thuyền.

– Bao hầu: cá cờ lớn cỡ ba bốn tạ trở lên gọi là bao hầu.

– Bè: phao lưới, giúp giàn lưới nổi theo chiều thẳng đứng từ mặt nước xuống đáy biển. Ngày xưa, bè được làm bằng những ống tre kết lại, ngày nay bè làm bằng xốp, lại dùng ống tre bọc xung quanh để bảo vệ xốp khỏi bị vỡ. Lưới đăng có 2 bè chính là bè cái và bè dọc, còn lại là những bè nhỏ. Vị trí của bè được gắn liền với dây neo, có bao nhiêu neo trên một giàn lưới thì có bấy nhiêu bè.

– Bề dạu (còn gọi là bề đứng, bề thâm): chiều cao của tấm lưới tính từ mặt nước xuống đáy biển.

– Bên đăng: bên thuyền đăng (đậu giữa neo thứ 10 và thứ 9 từ bè cái tính vào).

– Bên đốc: bên cọc chèo bánh của ghe (bên trái).

– Bên lái: bên cọc chèo mũi của ghe (bên phải).

– Bên neo: bên thuyền neo (đậu bên giàn lưới hôm giữa 2 bộ neo nhì tráng tây và nhất tráng tây).

– Biển đói: đánh không được cá trong nhiều ngày hoặc mất mùa cá.

– Biển no: được mùa cá.

– Biện: thư ký, có nhiệm vụ ghi chép, tính toán, quản lý sổ sách thu chi. Làm việc trên thuyền có biện nước, trên bờ có biện bờ.

– Bộ: gọi tắt từ bộ neo. Khi khép lưới bửng nhốt cá vào rọ, mỗi bên thuyền đăng và thuyền neo kéo theo một đầu lưới rồi đi qua 5 hoặc 6 bộ để làm mé làm gót.

– Bồng đỏ mũi: phần đầu mũi thuyền đăng và thuyền neo có cây xỏ mũi sơn màu đỏ.

C

– Cá ăn đầu (còn gọi là cá tá): thuở nghề đăng còn sơ khai, thu nhập của ngư dân được tính theo lối ăn chia chứ không trả công ăn lương như sau này. Để chuyên chở cá về bến, các chủ đầm phải sắm hoặc thuê ghe phiên. Nếu thuê, cứ mỗi tá cá (12 con) chủ đầm thu hoạch được thì chủ ghe phiên được hưởng 1 con.

– Cá chạy bãi: mấy tháng biển động sóng to gió lớn, nước đục, nhiều loại cá như cá chét, cá chột lớn cỡ bắp vế, từ ngoài khơi vô bờ lúc nước lớn, chạy dọc theo bãi để kiếm ăn.

– Cá dài: tiếng nghề đăng gọi chung các loại cá thu.

Các loại “cá dài” thường gặp trong lưới đăng

– Cá lái lợi: số cá ngư dân trả cho chủ nợ thay tiền lãi.

– Cá lại: từ cuối tháng 4 đến tháng 9 âm lịch, các loài cá di cư từ vùng biển phía bắc bắt đầu trở vô nam, ngư dân gọi là cá lại. Mùa này cá đi chậm, gặp vật cản thường xoay tròn lòng chảo và nép vào chân các gành đảo trong lộng.

– Cá lên: từ tháng Giêng đến đầu tháng 5 âm lịch, từng đàn cá nổi di cư theo mùa như cá thu, cá ngừ, cá bò… từ vùng biển phía nam bắt đầu di chuyển ra phía bắc, ngư dân gọi là cá đi hoặc cá lên. Thời gian này cá thường chạy khơi, xa gành nên đi nhanh và thẳng đường. Đây là mùa khai thác chính của nghề lưới đăng.

– Cá nhập đất: cá biển có tập tính thường đi sát đáy ngày 2 lần: lúc chạng vạng và mới rạng đông.

– Cá tròn: tiếng nghề đăng gọi chung các loại cá ngừ, bò, chù, chấm, dưa gang.

Các loại “cá tròn” trong lưới đăng

– Các bác: là những người khuất mặt, chết ngoài biển hoặc trên đảo.

– Cần khấu: cần ngắn khoảng 1m, gắn lưỡi câu lớn không ngạnh, dùng móc vào mình cá lớn cho dễ bắt.

– Câu chạy: nghề câu cổ truyền, thả mồi nổi trên mặt nước, dùng xuồng kéo chạy nhanh, cá lớn rượt theo đớp sẽ bị dính câu. Nghề này hoạt động ban ngày trong lông, dùng xuồng nhỏ, trước kia gắn buồm, về sau gắn động cơ để chạy nhanh, thuận tiện lúc ngược gió. Nhợ câu ngày trước là nhợ se bằng tơ tằm, sau dùng cước 70 hoặc 80, mỗi ống 100m, cột ít nhất 2 lưỡi câu. Mồi là lông gà loại mềm, tùy theo tháng và con nước mà dùng lông màu trắng, vàng, vàng lợt, xám… Mồi lông gà kéo chạy nhanh trên mặt nước làm cá lớn lầm tưởng là cá con. Cá ăn mồi nổi là các loại cá ngừ, chù, chấm, bò, thu, cá cờ, cá gòn. Nghề lưới đăng cũng đánh bắt các loại cá này nên các xuồng câu chạy có mặt trong vùng gần sở đầm từ tháng Giêng đến tháng 6 âm lịch, hết mùa lưới họ câu tiếp đến tháng 8 âm lịch thì nghỉ.

– Câu giăng: nghề câu cổ truyền, hoạt động trong lông, mỗi giàn câu gồm 1500 – 2000 lưỡi câu cột cách nhau 7, 8 tấc, với một số phao để giữ lưỡi câu cách rạng lối 1m. Mồi là cá nục, cá cơm trỏng, mực tươi xắt miếng. Ngư dân giăng câu buổi chiều chung quanh đảo hoặc nơi có rạng lố, tùy con nước họ thăm câu thay mồi mỗi đêm 3 – 4 lần. Sau này do nạn bắn cá bừa bãi bằng chất nổ, cá ở rạng lố bị tiêu diệt, những ghe câu giăng dần dần đổi sang nghề khác.

– Câu kiều: nghề câu cổ truyền, hoạt động trong lông, câu cá mà không có mồi. Ngư dân dùng nhiều giàn câu giăng, mỗi giàn cột 1000 – 1500 lưỡi câu lớn, mỗi lưỡi câu cách nhau 3 – 4 tấc, không gắn mồi, thả xuống đáy biển, lưỡi câu thòng tòn ten cách mặt đất lối 1 tấc, cá lớn nhập đất đi ngang qua vướng lưỡi câu, vùng vẫy thì các lưỡi câu gần bên móc thêm vào mình, không còn lối thoát. Về sau nghề giã cào phát triển, cào sát đáy biển, kéo bứt giàn câu kiều nên họ dẹp nghề.

– Cây chong: miếng gỗ nhỏ hình đồng xu dùng để móc tua chì của mỏ neo cái với vòng nhiếp chì.

– Cây gang: cây gỗ lớn dùng móc vào phần đầu dây song gang để mặt lưới tránh cọ xát với đá nhọn.

– Cây giang: những thanh đà ở hai bên be thuyền.

– Chao lưới: đoạn lưới rất thưa, sợi lớn, nối nạp con với giàn lưới đăng.

– Chắp bả: đan lưới, vá lưới.

– Chèo dọc: tức đội trưởng (nếu là chèo dọc bên ghe đăng) hoặc đội phó (nếu là chèo dọc bên ghe neo), là người chỉ huy, điều khiển, quyết định phương án đánh bắt cụ thể cho từng giác lưới.

– Chính đầm, phụ đầm: Mỗi sở đầm lớn (đầm chính) thường lãnh thêm một sở đầm nhỏ gọi là đầm phụ, vì vậy tên của các sở đầm này thường được ghép chung, ví dụ: Xưởng Dự – Táo Chỉ, Lam Dự -Châu Dự, Tiểu Cảng – Suối Châu, Thạch Dự – Bút Chử…

Các đầm đăng trong vịnh Nha Trang

– Chủ đầm: là người hay nhóm người được lãnh khoán hoặc trúng thầu khai thác một sở đầm đăng nào đó, còn gọi là chủ nghề, nghiệp chủ hoặc chủ nhiệm (hợp tác xã).

– Chủ nậu: những người giàu có, cho các chủ phương tiện đánh bắt vay vốn và nhận bao tiêu sản phẩm (mỗi chủ nậu có thể cho vay và bao tiêu cho từ 2 đến 10 tàu đánh cá) rồi bán lại cho những người làm nghề rổi.

– Chủ vựa: những người chuyên thu mua cá với số lượng lớn, sau đó bán dần cho những người làm nghề rổi.

– Chuyến chính, chuyến phụ: cá lưới đăng đi phiên mỗi ngày 2 chuyến, chuyến chính về bến lúc 2 – 3 giờ chiều, chuyến phụ về bến lúc 6 – 7 giờ tối.

– Chửng cá: cách chia cá giữa chủ đầm và bạn lưới thuở nghề đăng còn sơ khai.

– Coi nước: quan sát số lượng cá đã có trong rọ lưới để quyết định khóa hom và thu hoạch. Người coi nước ôm ống tre hay phao bơi trong rọ lưới, dùng kính lặn nhìn sâu xuống đáy xem cá đã vào rọ thì báo hiệu cho trên thuyền đóng cửa bửng để cá không chạy thoát ra ngoài.

– Con nước thủy triều: mỗi tháng thường có 3 hoặc 4 ngày nước thủy triều, cứ nước lớn một lúc rồi ròng một lúc, lừng chừng như vậy cả ngày.

– Con trân (còn gọi là nhợ cúi): cuộn nhợ đan lưới có chiều dài 100 sải.

– Cốt gang: là sợi dây lớn ràng, buộc quanh hòn đá kết gang. Từ cốt gang phân ra hai sợi nhánh bằng cáp là tay rượng đồi và tay rượng chì. Tay rượng đồi cột mặt trên của lưới, tay rượng chì cột mặt đáy.

– Cụi lưới: lưới đã cuộn lại thành từng ôm.

– Cúng cầu ngư: cúng vào lúc năng suất sở đầm quá thấp.

– Cúng Dàng (còn gọi là cúng Thập nhị Nhang Dàng): lễ cúng ảnh hưởng theo tục lệ của người Chăm xưa, tổ chức vào cuối tháng Ba hoặc đầu tháng Tư âm lịch hàng năm.

– Cúng hạ đăng: ngày xưa nghề đăng dùng lưới đan bằng vỏ cây mấu trên rừng hoặc bằng xơ dừa nên lưới mau hư mục, mỗi tháng sở đầm phải nghỉ một hai ngày để ráo lưới – tức vá lưới, phơi lưới. Khi bủa lại giàn lưới, phải làm lễ này.

– Cúng kết gang: lễ cúng xin phép Thần linh cho cột một đầu lưới (móc gang) vào gành đá.

– Cúng khai sơn: lễ cúng xin phép chư vị Thần linh cho sử dụng gành đảo để đặt gang lưới.

– Cúng lịch y: hàng năm vào khoảng hạ tuần tháng 2 âm lịch (tháng này còn gió đông bắc, thỉnh thoảng biển động mạnh, cá thường đi khơi), các phường lưới đăng làm lễ dâng cúng các đồ y trang, vàng mã… để cầu xin chư vị thần linh dẫn dắt cá chạy gành sớm. Nhân dịp này ngư dân rước thầy chùa làm lễ cầu siêu và lễ phóng đăng để siêu độ vong hồn Các Bác và những đồng nghiệp tử nạn ngoài biển.

– Cúng mừng rau: khi năng suất tăng vọt trong nhiều ngày, ngư dân làm gỏi cá cúng tạ ơn chư vị Thần linh (tiếng nghề đăng gọi chung các loại cá là “rau”).

– Cúng ra mắt: lễ cúng xin phép Thần linh để bắt đầu hành nghề.

– Cúng ráp xương quẹo: nghi thức ráp lưới thưa và lưới tư ở một góc 90 độ, chỗ sẽ đặt neo cái (so sánh chỗ ráp hai đầu lưới như cùi chỏ). Việc này do chủ nghề hoặc đại diện và ông chèo dọc thực hiện.

– Cúng tạ: ngày mãn mùa cá, sở đầm làm lễ cúng tạ ơn chư vị Thần linh đã phù hộ cho ngư dân trong mấy tháng hành nghề. Biển no họ cúng trọng thể, biển đói thì cúng đơn giản hơn nhưng cũng đầy đủ phẩm vật thường lệ.

– Cúng tết thuyền: lễ cúng tại thuyền đăng, thuyền neo vào ngày Tết Nguyên Đán.

– Cúng tổ nghề (còn gọi là cúng Tam vị thánh tổ): lễ cúng trọng thể tại nhà chủ nghề hoặc nhà chung của phường lưới đăng (nhà đoàn).

– Cữ: kích thước tiêu chuẩn của tấm lưới.

D

– Dây cốt hôm: dùng cột một đầu lưới hôm qua trung gian là giây xiềng xiềng.

– Dây cửa (còn gọi là dây mé nhảy): một đầu buộc vào đầu dây còn trống của bửng, một đầu buộc tại chỗ gần với góc lót. Người ta có thể đặt dây cửa theo nhiều cách khác nhau tùy theo vị trí của thuyền neo.

– Dây đòi: sợi dây dài cột hòn đồi.

– Dây giằng dọc, dây giằng gót, dây nhồi mé: 3 tên khác nhau của cùng một sợi dây giăng dọc theo chiều dài dây giềng của lưới bửng

– Dây giằng hôm, dây giằng tây: cùng một sợi dây mà phần giữa được nối với dây giềng của lưới bửng, còn hai đầu nối trên dây nạp cái của dây cốt hôm.

– Dây khóa dọc: được kéo thẳng từ đầu mút lưới bửng đến bè neo dọc.

– Dây khóa hôm: nối lưới hôm bằng cách nối với giềng đồi của lưới lưng.

– Dây khóa sau: dây nối vành neo, có vai trò như dây giằng tây và dây giằng hôm.

– Dây khóa trước: vừa giữ điểm cuối của lưới bửng vừa chống lại những dây giềng của lưới hôm.

– Dây kình: dây nối giềng kình và giềng đồi.

– Dây mồi: dùng để buộc phao và mỏ neo.

– Dây muối: đóng vai trò trung gian khi người ta muốn buộc chung các dây lại.

– Dây song gang: dùng để buộc đầu lưới gang vào mặt lưới, gồm 2 phần: phần đầu gọi là dây cốt gang dùng để cột vào hòn đá nơi gành, phần sau gọi là tay rượng chia làm 2 nhánh: một nhánh buộc vào đầu giềng đồi của lưới gang gọi là tay rượng đồi, một nhánh buộc vào đầu giềng chì gọi là tay rượng chì.

– Dây xiềng xiềng: nối với dây cốt hôm qua một ròng rọc, từ đó chia ra 2 nhánh, một nhánh móc vào giềng đồi gọi là tua đồi, một nhánh móc vào giềng chì gọi là tua chì.

– Dây xôm (còn gọi là dây làm lưới): dùng cột vào 2 dây chão lớn của các đầu dây tráng. Khi kéo lưới, một trong hai thuyền dùng dây xôm như dây chão để buộc mũi bè thích hợp.

– Dinh Ông: lăng thờ Ông Nam Hải (cá Voi).

– Dò nước: ông chèo dọc sau khi nghe người coi nước hô “Lui” thì quan sát dòng nước chảy mà đề ra phương án đánh bắt thích hợp.

– Dời: đơn vị tính cổ truyền, 1 dời = 20 sải.

– Dúng: đơn vị tính cổ truyền, cứ 5 sợi loại dài 4 sải = 1 dúng.

Đ

– Đại diện: người thay mặt nghiệp chủ quản lý sở đầm ngoài biển.

– Đầm đăng: vị trí đặt lưới đăng. Qua theo dõi nhiều năm, ngư dân đã xác định được một số vị trí tương đối chính xác để đặt giàn lưới đăng đánh bắt cá hiệu quả. Vì thế, tuy bờ biển dài nhưng những nơi có thể làm đầm đăng rất ít, thời kỳ cao nhất toàn tỉnh Khánh Hòa chỉ có khoảng trên 30 sở đầm, trong đó nhiều nhất thuộc hải phận Nha Trang (13 đầm). Hiện nay, TP. Nha Trang chỉ còn 5 sở đầm hoạt động là Hòn Nọc, Sông Hồng, Hòn Xưởng, Thạch Dự và Lam Dự.

Bãi phơi lưới đăng ở sở đầm Hòn Đỏ, Ninh Hòa

– Đầm hải đông: tên gọi các ngư trường phân bố dọc ven bờ biển và các gành đảo trong tỉnh (ví dụ vùng biển từ Hòn Đỏ đến mũi Cù Hin thuộc TP. Nha Trang trước đây phân chia thành các hải đông Cù Lao, hải đông Xương Huân, hải đông Bích Đầm, hải đông Trường Đông, hải đông Trường Tây). Ngày xưa, ngư dân hành nghề trong các vùng biển này phải đóng thuế gọi là thuế hải đông, do ông xã lạch ở làng thu.

– Đầm úc: vùng biển gần bờ, gần cửa sông, nước không sâu.

– Đi bạn: đi làm công cho chủ nghề.

– Đi khơi (còn gọi là đi kinh): đánh cá ở vùng biển nước sâu, xa bờ.

– Đi lộng (còn gọi là đi ốp): đánh cá ở vùng biển gần bờ.

– Đi phiên: chở cá từ sở đầm về bến bằng ghe phiên. Cá lưới đăng bán ra ở ghe phiên phần lớn là cá ngon, lại là cá “tươi dong”.

– Đi tới, đi tráng đông, đi xây: 3 phương án đánh bắt chính của lưới đăng. Tùy theo hướng nước chảy, người chèo dọc sẽ quyết định phương án cụ thể cho từng giác lưới. Đi tới là cách thông thường khi không gặp nước chảy (nước êm). Đi xây khi dòng nước ngoài biển chảy vô. Đi tráng đông khi dòng nước từ trong gành chảy ra.

– Đường neo: Lưới đăng sử dụng rất nhiều bộ neo để giằng giữ giàn lưới. Neo lại phải thả lài ra cho vững nên sử dụng rất nhiều dây chạc hoặc dây ny-lon lớn. Cứ khoảng 10m lưới thì đặt một mỏ neo và 50m là một đường neo. Có hai cách đặt đường neo là neo chiếc và neo đôi. Neo chiếc là một neo cố định bằng một dây. Đây là đường neo sử dụng ở những phần biên lưới nơi có độ căng rất lớn. Neo đôi là một neo cố định bằng hai dây.

G

– Gạn: động tác vừa kéo lưới vừa thu hẹp vòng rọ.

– Ghe lòi: thuyền nhỏ chở cá trên sông rạch hoặc vùng biển nước không sâu.

– Giã cào: nghề biển sử dụng công cụ lưới hình ống, có cánh hai bên, dùng ghe kéo để đánh bắt cá và các loại hải sản khác ở tầng đáy. Ghe giã cào hành nghề vào những tháng biển động, hoạt động cả ngày lẫn đêm, giàn lưới thả sát đáy, miệng giã rà trên mặt bùn, càn quét tất cả các loại hải sản vào một đảy lưới thật dầy. Nghề giã cào thường hoạt động ở vùng biển có mực nước sâu từ 6 hoặc 7m trở ra, ở những vùng không có rạng lố, đáy biển chỉ toàn cát và bùn.

– Giác lưới: một mẻ lưới đăng, gồm các công đoạn thả lưới, nhổ lưới, thu hoạch cá.

– Giàn nghề lưới đăng: một giàn nghề lưới đăng gồm 6 tấm lưới (gang, lưng, rọ, tráng, hôm, bửng) kết vào nhau bố trí thành thế trận lừa cá vô rọ. Ngoài ra còn một giàn lưới rút để sẵn trên thuyền, khi cá đã vào rọ thì thả xuống thu hoạch.

Đóng ghe đăng – Ảnh: VĂN THÀNH CHÂU

– Giềng chì: dây cạp chân lưới.

– Giềng đồi: dây cạp phần trên cùng của lưới, gắn với chao lưới.

– Giềng kình: phần ngoài cùng của cạp giềng.

– Giềng miệng: phần giữa của cạp giềng.

– Gió nam đò: gió tây nam từ vùng núi huyện Ninh Hòa thổi tạt ra biển.

– Gió cây khô: trận bão khủng khiếp xảy ra vào ngày 25 tháng Giêng âm lịch năm Thìn (không rõ năm nào, nhưng cũng cách đây trên cả trăm năm) khiến 32 ngư dân quê ở Phường Mới (Bình Định) bị thiệt mạng tại một điạ điểm lưới đăng thuộc Hòn Xưởng ở Bích Đầm ngoài khơi biển Nha Trang.

(Còn tiếp 1 kỳ)

Nguồn: Mannhien’s Facebook

Nguyễn Hoàng Đức – 14/11

1. Chúng ta vẫn còn có những suy nghĩ phiến diện về chức năng xã hội của văn học nghệ thuật. Thường là vai trò vị trí chức năng của văn học nghệ thuật đã được hiểu một cách sơ lược đại khái, không ít lúc được cho là xướng ca vô loài, là một ngành nghề phải ghi chép, trình bày lại những sôi động của cuộc sống một cách máy móc, theo một lập trình, một định hướng nào đó.

Cũng có thể hiểu, không biết vì lý do gì, vai trò vị trí của văn học nghệ thuật có lúc bị hạ thấp đã dẫn đến những ứng xử đối với nó nhiều khi mang tính khôi hài. Cũng không hiểu do đâu, người ta không nhìn nhận thực chất văn học nghệ thuật là ý thức cao nhất về sự tồn tại của con người, là cứu cánh để con người cao hơn con người bề mặt của nó, đặc biệt trong một thế giới phẳng như hôm nay, khi mà con người đang bị văn minh vật chất hàng ngày vây hãm.

Dường như chúng ta đã và đang quá cẩn trọng, thậm chí nhầm lẫn mà coi nhẹ chức năng của văn học nghệ thuật.

2. Một chiếc cột chống nhà chẳng hạn – nhờ việc nó chống thẳng vào nơi dễ đổ nhất của tòa nhà – mà tòa nhà đứng vững. Và tâm hồn con người cũng vậy – điểm tựa lớn nhất của nó chính là sức đề kháng mãnh liệt – trực tiếp – liên tục của khả năng phê bình – mà chúng ta gọi là phản tỉnh. Mở màn, con người có ý thức là con người biết ý thức về mình. Bởi vậy, phản tỉnh là điều kiện tiên quyết – song sinh cùng ý thức – cái chối bỏ con người phi thức – để xây nên con người ý thức. Hơn thế, trình độ phản tỉnh chính là trình độ danh dự của một con người.

Một dân tộc đã nói: “Con người càng biết tự xấu hổ về mình thì càng được người khác tôn trọng”. Con người là thước đo vạn vật. Nhưng trước khi làm việc đó, con người phải đo được chính mình, muốn thế “phải tự biết mình” (connais-toi même). Đó cũng chính là châm ngôn đầu tiên thời tiền Socrate và của chính Socrate, cái mở màn cho khoa học phản tỉnh của nhận thức luận con người. Ông cha ta từ xa xưa cũng đã dạy: Hiểu mình chính là phương tiện để đo người khác. Còn người Trung Hoa thì bày tỏ một thái độ hết sức rõ ràng mãnh liệt qua cụm từ “đồ vô sỉ” – đó là hạng người đã mất khả năng ý thức về mình đến mức – chẳng còn gì đáng nói nữa. Có lẽ, chúng ta đã đặt một nền móng “khá mất công lần về cội nguồn” song thiết nghĩ, căn cứ trên một đời sống nghệ thuật thiếu sức phê bình tràn lan nghiêm trọng – bấy bớt như hiện nay, thì việc quay lại “phản tỉnh” một nền tảng như vậy là rất cần thiết.